Bắc Ninh tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đồng bộ
Các KCN thu hút được hơn 22,95 tỷ USD vốn đầu tư đến từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn. Nhờ đó đã đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm gần 90%), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gần 320 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh và gia tăng trợ lực thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ.
Không chỉ trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư, việc phát triển hạ tầng các KCN còn tác động lan tỏa, thu hút đầu tư kết nối các dịch vụ tiện ích, tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của địa phương. Qua đó, từng bước đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương, có vai trò đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Tuy nhiên công tác xây dựng, lập và quản lý quy hoạch của tỉnh còn bất cập, chất lượng quy hoạch không cao, thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Một số KCN phải điều chỉnh nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, có sự chồng lấn giữa các quy hoạch. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý giám sát các công trình trong một số KCN vẫn còn có sai phạm. Doanh nghiệp chưa ý thức cao về vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý đầu tư xây dựng, an toàn lao động, an toàn phòng cháy, chữa cháy. Hay như ý thức chấp hành pháp luật về công tác bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp còn chưa cao, vẫn còn để xảy ra tình trạng xả thải vượt chuẩn quy định...
Khu Công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh. |
Để khắc phục những hạn chế, nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả hoạt động của các KCN trong bối cảnh mới, không theo lối mòn Bắc Ninh định hướng phát triển hạ tầng KCN Bắc Ninh theo chức năng và vai trò vùng, cụ thể như: Thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong, tập trung phát triển trọng tâm vào các ngành sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử quy mô lớn và khuyến khích phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển thiết bị điện tử. Hành lang công nghiệp huyện Quế Võ: Hướng tới phát triển hành lang công nghiệp, dịch vụ, trở thành thị xã- đô thị vệ tinh của tỉnh; tập trung vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử, hàng không vũ trụ, sản xuất công nghệ cao, tận dụng tuyến đường kết nối đến cảng Hải Phòng. KCN mới - huyện Thuận Thành, Lương Tài và Gia Bình (dự kiến phát triển công nghiệp tại 3 khu vực: Khu vực xã An Thịnh nằm ở phía Đông; khu vực xã Lâm Thao, Phú Lương nằm ở phía Tây Nam; khu vực xã Bình Định, Quảng Phú nằm ở phía Tây huyện Lương Tài), tập trung vào mô hình KCN sinh thái, tận dụng lợi thế về môi trường và vùng nguyên liệu để phát triển dược phẩm, thiết bị y tế, công nghệ y khoa... Trung tâm CNTT và Công nghệ cao - huyện Tiên Du: định hướng phát triển trở thành cụm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng, với các trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Từ định hướng phát triển vùng, giải pháp thu hút đầu tư vào các KCN được xác định theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ với thông điệp “4 sẵn sàng” để bứt phá, đón bắt cơ hội đầu tư mới.
Thứ nhất, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tổng diện tích 6.397,68 ha) đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng về môi trường, giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…
Thứ hai, sẵn sàng về nhân lực, với nguồn lao động tương đối trẻ, đã qua đào tạo chiếm hơn 72%, có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến. Tỉnh cũng định hướng phát triển các khu đại học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trên địa bàn hiện có 3 khu làng đại học, trong đó khu Đại học 1 đã cơ bản được đăng ký lấp đầy, thu hút các trường đại học, cao đẳng từ Hà Nội góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng, cung cấp nguồn nhân lực chất lương cao cho các KCN.
Thứ ba, sẵn sàng cải cách, các, sở, ngành địa phương quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN. Nhân rộng mô hình “Một cửa tại chỗ” tại các KCN, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Thực hiện công tác rà soát TTHC thường xuyên hơn nữa để cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết TTHC.
Thứ tư, sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng lắng nghe tâm tư của các nhà đầu tư. Xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng. Tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng trong các KCN, quản lý việc sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được quy hoạch phát triển các KCN.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố với 69,45 điểm, tăng 3 bậc và tăng 2,71 điểm so với năm 2020, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt. Đối với các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Ninh có 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2020 là: Tiếp cận đất đai tăng 0,07 điểm; Tính minh bạch tăng 1,05 điểm; Chi phí thời gian tăng 0,05 điểm; Tính năng động tăng 0,72 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,52 điểm; Thiết chế pháp lý tăng 0,11 điểm... |
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.