BAT: Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có

Bài 2: Phương thức xác định BAT

21/08/2020 00:00 Nghiên cứu, trao đổi
Liên quan đến BAT, có nhiều bên tham gia thu thập thông tin và đánh giá/lựa chọn BAT. Hồ sơ tham chiếu BAT (BREFs- BAT Reference Document) là tài liệu quan trọng nhất, kết quả của quá trình lựa chọn BAT. BREFs chứa đựng các kết luận về BAT là kết quả của quá trình trao đổi giữa rất nhiều đối tác: đại diện Chính phủ, đại diện công ngiệp/doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các viện nghiên cứu…
Bài 1: Gới thiệu về BAT

Về nguyên tắc, BAT được xác định dựa trên nguồn dữ liệu đa chiều: (i) kinh tế, (ii) Môi trường và (iii) Kỹ thuật/công nghệ (một số hướng dẫn còn xem xét cả yếu tố xã hội). Ngoài ra, cơ sở dữ liệu còn bao gồm các số liệu thống kê và dữ liệu quan trắc môi trường, cân đối giữa kỹ thuật phòng ngừa và xử lý đầu cuối. Các bước tiến hành, thời gian và nguồn lực cần huy động phụ thuộc vào mục tiêu hoàn thành Hồ sơ tham chiếu BAT.

1. Quy trình xác định BAT

EU có một phương pháp chuẩn hóa cho thủ tục lựa chọn và đánh giá các kỹ thuật để xác định BAT, được gọi Quy trình Sevilla. Theo đó, có 3 bước cơ bản thực hiện xác định BAT: (i) Điều tra thông tin công nghệ (ii) Đánh giá công nghệ và (iii) Xây dựng tiêu chí và lựa chọn BAT. Trên thực tế, từng nước có những bước đi khác nhau, mặc dù vẫn dựa vào hướng dẫn khung của EU. Việc lựa chọn ngành/lĩnh vực là bước đi đầu tiên. Luật BVMT các nước đều quan tâm đến nguồn gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm theo khu vực và theo ngành/lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là các đối tượng ưu tiên áp dụng BAT. Nga chia các ngành sản xuất thành 4 nhóm I, II, III và IV theo mức độ tác động xấu đến môi trường (nhóm I là nhóm phát thải lớn nhất). Trong khi Hàn Quốc chỉ ra 17 ngành/lĩnh vực ô nhiễm nhất dựa vào kết quả thống kê và quan trắc môi trường. Luật về không khí sạch của Mỹ chỉ ra các chất ô nhiễm không khí, theo đó có khoảng 8 ngành có nguy cơ cao theo hướng này. Phân chia ngành/lĩnh vực theo mức độ tác động đến môi trường còn mang ý nghĩa các cơ sở vận hành sẽ phải chịu ràng buộc bởi các giấy phép tích hợp liên quan đến BAT, các quy định bắt buộc về lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về trung tâm giám sát quốc gia.

Trước khi tiến hành thu thập thông tin về các khía cạnh kinh tế, môi trường và kỹ thuật của công nghệ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, nhóm làm việc kỹ thuật (TWGs) sẽ quyết định các nội dung và phạm vi điều tra. Các dữ liệu sẽ được thu thập dựa trên các phiếu câu hỏi điều tra được định hướng theo ngành.

Tại Nga, cục BAT (BAT Bureau) là đơn vị đầu mối, tổ chức và phân phát câu hỏi điều tra thông tin. Các bên vận hành công nghệ có trách nhiệm trả lời các câu hỏi điều tra. Các thông tin thu thập được sẽ tập hợp thành cơ sở dữ liệu được lưu trữ, mang ra so sánh với các công nghệ tương tự. Nhóm làm việc kỹ thuật (TWGs – Technical Working Group) do Bộ Công Thương thành lập sẽ chịu trách nhiệm chính việc đánh giá thông tin công nghệ. Đánh giá và lựa chọn công nghệ BAT được thực hiện dựa trên 5 tiêu chí:

1. Tác động xấu tới môi trường thấp nhất có thể, thể hiện bằng giá trị trên đơn vị thời gian hoặc khối lượng tính trên đơn vị sản phẩm, chi phí vận hành, chi phí dịch vụ và các đặc tính khác theo các thỏa thuận quốc tế đã ký;

2. Hiệu quả kinh tế khi đưa công nghệ mới vào và vận hành;

3. Sử dụng tài nguyên và phương pháp tiết kiệm năng lượng;

4. Thời gian cần thiết để đưa công nghệ mới (vào vận hành);

5. Thực hiện thành công ở ít nhất 2 nhà máy trước đó có những tác động tiêu cực tới môi trường.

Trong danh sách các BAT còn lại (sau khi đã loại theo tiêu chí), Hồ sơ tham chiếu phải chứa đựng các thông tin về mặt kỹ thuật, các chi phí tài chính, bao gồm cả giá các thiết bị sẵn có. Trong danh mục các kỹ thuật được tách ra dưới dạng BAT, các nhà vận hành không bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật có chi phí thấp nhất trong số đó. Ở một số lĩnh vực, như chế biến thực phẩm, danh mục đưa ra có thể có một vài lựa chọn (BAT) cho một mục tiêu, một số BAT chỉ có thể áp dụng ở các phân ngành nhỏ.

Không có chỉ định ưu tiên trong BAT, mặc dù các kỹ thuật tạo ra cơ hội phòng ngừa ô nhiễm và tối ưu quá trình tiêu dùng (tài nguyên) được coi là quan trọng, song các kỹ thuật xử lý đầu cuối cũng được xem xét đồng thời trong suốt quá trình.

Trong các tài liệu hướng dẫn đánh giá BAT, các khía cạnh kỹ thuật, môi trường và kinh tế của BAT cũng được làm rõ để làm cơ sở cho các đánh giá.

Khía cạnh kỹ thuật của BAT được hiểu là mức độ sẵn có, an toàn và khả năng ứng dụng của các kỹ thuật đó.

Khía cạnh môi trường của BAT được xem xét dưới góc độ môi trường và các chất gây ô nhiễm. Các kỹ thuật được coi là BAT nếu đảm bảo giảm hoặc phòng ngừa việc phát thải một hay một số chất gây ô nhiễm, hoặc sử dụng hiệu quả tài nguyên (năng lượng, nguyên liệu hoặc nước) hoặc giảm thiểu rủi ro sự cố (như hóa chất).

Các khía cạnh kinh tế của BAT hiện chưa có tiêu chí đánh giá. Tài liệu tham chiếu của EU về kinh tế và hiệu ứng môi trường đan xen (Cross-Media Effects) hiện là chỉ dẫn duy nhất cho vấn đề này. Tài liệu cung cấp các hỗ trợ ra quyết định trong trường hợp có xung đột giữa các khía cạnh kinh tế và môi trường. Mục tiêu đằng sau các chỉ dẫn này là để đảm bảo BAT không đem đến các chi phí đắt đỏ cho các công ty đang muốn áp dụng.

2. Hồ sơ tham chiếu BAT (BREFs)

Hồ sơ tham chiếu BAT (BREF) là thành quả cuối cùng của quá trình đánh giá và lựa chọn BAT. Tại EU, các BREFs được xây dựng theo Chỉ thị về phát thải công nghiệp (IED) và được quản lý bởi Cục Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm (IPPC), trụ sở tại Trung tâm nghiên cứu chung EU (JRC) ở Sevilla. IPPC trước đó thành lập Hội đồng gồm các chuyên gia, các nhà công nghiệp, chuyên gia NGOs để thông qua BREF chứa kết luận về BAT.

Trình tự thủ tục ra kết luận về BAT gồm các bước: (i) Họp khởi động của Nhóm làm việc kỹ thuật (TWGs), (ii) Đưa ra Dự thảo để lấy ý kiến, (iii) Cuộc họp kết luận của TWG, (iv) Kết luận BAT cuối cùng, (v) Diễn đàn trao đổi, (vi) Hội đồng bỏ phiếu biểu quyết và (vii) Đưa ra Quyết định cuối cùng về lựa chọn BAT.

Kết luận về BAT sẽ đưa vào BREF. BREFs chứa các kết luận về BAT là cơ sở thiết lập các điều kiện của giấy phép. Giấy phép sẽ phải chứa đựng giá trị giới hạn phát thải (ELV) do các bên có thẩm quyền quyết định, song không được vượt quá BAT-AEL. BREF còn phải được tham vấn công đồng trước khi thông qua. Luật môi trường các nước quy định BAT-AEL đi cùng mức phát thải và thông số công nghệ sẽ được trình Chính phủ phê duyệt. Không chậm hơn 6 tháng sau khi Hồ sơ tham chiếu BAT được Chính phủ chấp thuận/phê duyệt, BAT-AEL trở thành luật bắt buộc và có hiệu lực thi hành.

Trong EU, kết luận BAT được công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh và được dịch sang tất cả 23 ngôn ngữ của các nước thành viên. Hiện có tổng cộng 32 BREFs ngành được phát triển trong giai đoạn 1997-2018. Các quyết định đã được công bố cho 13 lĩnh vực công nghiệp. Hơn 19 lĩnh vực được hưởng lợi từ BREF.

Hồ sơ tham chiếu BAT (BREFs) có thể mất đến 39 tháng xây dựng, và mất 12 tháng để lấy ý kiến cũng như ra Quyết định. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành BREF về lý thuyết có thể mất khoảng 4 năm. Các BREF được Ủy ban Châu Âu thông qua và công bố trên website (http://eippcb.jrc.ec.europa.eu/reference/). Các tài liệu được xuất bản bằng Tiếng Anh, một số được dịch một phần hoặc toàn bộ sang các ngôn ngữ khác bởi các quốc gia thành viên.

Các BREF thường bao gồm các thông tin sau: Thông tin chung về lĩnh vực liên quan; Các quy trình và kỹ thuật ứng dụng; Mức tiêu thụ và phát thải hiện tại; Các kỹ thuật để xem xét trong việc xác định BAT; Kết luận BAT (xem mô tả bên dưới); Kỹ thuật mới nổi; Kết luận nhận xét và khuyến nghị cho công việc trong tương lai; và một số thuật ngữ.

Từ BREFs, các điều kiện giấy phép được thiết lập. Bước cuối cùng đi từ BREF đến giấy phép còn được gọi là bước thứ 4 trong quy trình Sevilla.

Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục giới thiệu các bài viết về BAT.

Lê Minh Đức, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam

Nguyễn Thị Hồng Lam, Viện Khoa học Môi trường

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động