Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, chuyên đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt”

17/11/2020 14:57 Quản lý nguồn thải
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, chuyên đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt” đánh giá tổng thể các vấn đề về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của các cơ quan Trung ương và các địa phương. Báo cáo tập trung phân tích các nội dung liên quan đến nguồn phát sinh CTRSH, hiện trạng phát sinh CTRSH; các đặc trưng, tính chất của CTRSH; công tác phân loại, thu gom, xử lý CTRSH.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018

Báo cáo cũng chú trọng đánh giá những kết quả đạt được và một số vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với CTRSH như: các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nguồn lực đầu tư cho quản lý CTRSH, sự tham gia của cộng đồng… Qua đó, nhận định các thách thức trong công tác quản lý CTRSH và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, đồng thời cũng đề xuất một số giải pháp ưu tiên để xử lý các điểm nóng về quản lý CTRSH hiện nay.

bao cao hien trang moi truong quoc gia nam 2019 chuyen de quan ly chat thai ran sinh hoat
Tỷ lệ thu gom CTRSH ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%.

Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (D-P-S-I-R). Động lực là các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) như tăng dân số, đô thị hóa, tăng trưởng các ngành kinh tế đô thị, nông thôn, dịch vụ, thương mại… tạo ra áp lực là làm phát sinh một lượng lớn CTRSH và yêu cầu phải xử lý. Hiện trạng được đánh giá gồm tình hình phát sinh, công tác phân loại, thu gom và xử lý CTRSH. Từ đó, nhận định các vấn đề thách thức đặt ra đối với công tác quản lý CTRSH. CTRSH phát sinh không được thu gom, xử lý kịp thời và hợp vệ sinh gây ra các Tác động đến chất lượng và cảnh quan môi trường, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh kinh tế - xã hội. Việc phân tích thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý CTRSH là cơ sở xây dựng nội dung Đáp ứng gồm các giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể nhằm quản lý CTRSH hiệu quả và an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường. Các thông tin, dữ liệu sử dụng trong Báo cáo được tổng hợp từ các nguồn chính thống, trong đó, số liệu về động lực (số liệu về KT-XH): các báo cáo niên giám thống kê; số liệu về áp lực (số liệu về nguồn thải): từ một số Bộ, ngành và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nghiên cứu về tác động đến sức khỏe cộng đồng.

BÁO CÁO GỒM 05 CHƯƠNG:

Chương 1. Tổng quan về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và bối cảnh quốc tế

Các thông tin, số liệu về dân số, phát triển các thành phần kinh tế, phát triển đô thị và nông thôn cũng như thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam giai đoạn 2009 - 2019 và những yếu tố khác cho thấy: phát triển KT-XH, phát triển đô thị và nông thôn là những yếu tố tác động đang tạo áp lực rõ rệt đến phát sinh CTR nói chung và CTRSH ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng với số lượng các ngành sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp (KCN) và dịch vụ đô thị ngày càng phát triển đã tạo ra dòng di cư từ nông thôn ra thành thị; một mặt tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động; tuy nhiên, cũng tạo nên sức ép về mọi mặt đối với môi trường, làm tăng lượng CTR phát sinh, đặc biệt là CTRSH. CTRSH tại các đô thị với 35.624 tấn/ngày trong năm 2019 so với lượng CTRSH nông thôn là 28.394 tấn/ngày, chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTRSH của cả nước. Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và nông thôn chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ CTRSH, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Với mức gia tăng phát sinh CTRSH trong nước, CTR từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu để sản xuất chưa đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng tạo gánh nặng quản lý CTRSH đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ sở xử lý CTR.

Chương 2. Thực trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

Tương tự các quốc gia đang phát triển và trong khu vực, các nguồn phát sinh CTRSH ở Việt Nam phát sinh từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), CTRSH còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi ni lông có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý CTRSH ở Việt Nam. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Kết quả tính toán chỉ số phát sinh CTRSH bình quân đầu người dựa trên số liệu về khối lượng CTRSH phát sinh và dân số cho thấy một số địa phương có chỉ số phát sinh cao (trên 1,0 kg/người/ngày) như Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Tỷ lệ thu gom CTRSH ở Việt Nam trung bình năm 2019 tại khu vực đô thị đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%. Để xử lý CTRSH đã thu gom được, đến năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh), góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom. Ngoài ra, chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp CTRSH khoảng 6 - 8%, cộng với nhận thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế nên công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đô thị và nông thôn tại 06 vùng phát triển kinh tế của Việt Nam đã được phân tích, xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp kiểm soát, tăng cường hiệu quả quản lý.

Chương 3. Tác động của CTRSH đối với môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng và kinh tế - xã hội

Tác động có thể thấy rõ đến môi trường cảnh quan như các hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng; ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác với nhiều thành phần kim loại nặng và chất nguy hại… không xử lý đạt yêu cầu theo quy định; CTRSH bị đổ xuống mạng lưới thoát nước gây tắc nghẽn, các chất thải lắng xuống đáy làm tăng khối lượng trầm tích phải nạo vét hàng năm; khí nhà kính, khí gây ô nhiễm môi trường hoặc mùi khó chịu phát sinh từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa, xác động thực vật…) trong CTRSH, khí thải từ các lò đốt CTRSH là những nguồn có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí nếu không có biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải đảm bảo quy định. Các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong đất, nước, không khí bị ô nhiễm gây ra những bệnh liên quan đế hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, bệnh về da liễu... Quá trình đốt CTRSH phát sinh bụi, hơi nước và khí thải (CO, axit, kim loại, dioxin/furan). Nếu không có biện pháp kiểm soát đúng quy định, những chất ô nhiễm này có thể góp phần gây nên các bệnh về hen suyễn, tim, làm tổn hại đến hệ thần kinh và đặc biệt là dioxin/furan có khả năng gây ung thư rất cao. Thiệt hại về kinh tế do không quản lý triệt để CTRSH không chỉ bao gồm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn bao gồm chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, thiệt hại đến một số ngành như du lịch, thủy sản... Bên cạnh đó là các hệ lụy về xung đột, bất ổn xã hội, đặc biệt tại các khu vực xung quanh cơ sở xử lý CTR. Mặc dù vậy, nếu tận dụng tối đa các lợi thế từ hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải thì sẽ là nguồn động lực tích cực trong phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp môi trường nói riêng.

Chương 4. Công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

Với những vấn đề, áp lực phát sinh CTRSH, hệ quả từ phát triển KT-XH, công tác quản lý Nhà nước đối với CTRSH trong nước đã được đánh giá rõ như: việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các công cụ kinh tế, thanh tra và kiểm tra… Bên cạnh đó đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện quy hoạch về quản lý CTRSH cũng như bộ máy nhân sự quản lý, các nguồn đầu tư tài chính… dành cho công tác quản lý CTRSH từ Trung ương đến các địa phương.

Ngoài các kết quả quản lý CTRSH, những vấn đề vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về CTRSH cũng được phân tích chi tiết như thiếu hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý CTRSH; thiếu các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát, hạn chế, thu gom, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa; công tác tuyên truyền vận động cộng đồng và nguồn lực để tổ chức thực hiện quy hoạch còn hạn chế; quản lý Nhà nước về CTRSH chưa đồng bộ giữa trung ương và các địa phương dẫn đến hạn chế trong công tác báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý CTRSH, thiếu mô hình quản lý CTRSH hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn; hầu hết công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với đặc thù CTRSH tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm của không khí cao…). Thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp. Việc tham khảo các bài học kinh nghiệm quản lý CTRSH trong nước và quốc tế, so sánh với hiệu quả thực hiện ở Việt Nam, xác định nguyên nhân của khó khăn, tồn tại làm cơ sở đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH.

Chương 5. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH

Từ các kết quả phân tích thực trạng phát sinh, thu gom, xử lý và quản lý Nhà nước về CTRSH, các nhóm giải pháp đã được đề xuất để tăng cường hiệu quả quản lý CTRSH, đồng thời khắc phục, giải quyết các bất cập về cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công nghệ xử lý CTRSH. Cụ thể, nhóm giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với CTRSH như: rà soát, hoàn thiện các quy định, quy hoạch quản lý CTRSH, cập nhật quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với CTRSH; tăng cường bộ máy quản lý và phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương; tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế CTR, hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH... Nhóm giải pháp đồng bộ với các chính sách như: tăng cường thực thi các giải pháp quản lý CTRSH từ các ngành, địa phương; nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế trong chuyển giao và cải thiện công nghệ xử lý CTRSH... Bên cạnh đó, là nhóm giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý CTRSH. Chương này cũng đề xuất một số giải pháp ưu tiên cần thực hiện để giải quyết những vấn đề nóng trong quản lý CTRSH như trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam” để triển khai thực hiện nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về CTRSH trong toàn quốc; đánh giá, đề xuất danh mục công nghệ xử lý CTR, CTRSH phù hợp với điều kiện của Việt Nam; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để quản lý Nhà nước về CTR, CTRSH thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn các tỉnh...

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 đề xuất các giải pháp cần thiết để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với CTRSH, phát triển và đầu tư công nghệ xử lý và định giá dịch vụ quản lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh công tác xã hội hoá quản lý CTRSH, đa dạng hoá và duy trì tính bền vững của các nguồn đầu tư trong công tác quản lý CTRSH.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động