Đồng Nai:

Chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại tại nguồn được chia thành 5 nhóm

25/01/2024 16:08 Quản lý nguồn thải
UBND tỉnh Đồng Nai mới ban hành Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và được chính thức áp dụng từ ngày 15/02/2024.

Theo đó, Quyết định này quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bao gồm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan trong việc quản lý CTRSH.

UBND tỉnh yêu cầu: CTRSH phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của CTRSH;

Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại CTRSH phát sinh phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật.

Chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại tại nguồn được chia thành 5 nhóm
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn

Trong đó, riêng đối với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân được phân loại tại nguồn thành 05 nhóm. Cụ thể:

Nhóm 1: Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm:

Giấy thải: Hộp, túi, lọ, ly, cốc bằng giấy; sách, truyện, vở, báo cũ, giấy viết, thùng, bìa carton, lõi giấy vệ sinh, giấy bọc gói, bì thư, biên lai, khay đựng trứng bằng giấy; các loại bao bì giấy khác không chứa chất độc hại.

Nhựa thải: Các loại ghế nhựa, thau, chậu nhựa; ly, cốc nhựa; giày, dép, vali, rèm cửa bằng nhựa và các loại bật dụng bằng nhựa thải khác.

Kim loại thải: Hàng tiêu dùng, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế bằng kim loại (trù kim tiêm, kim khử máu đã sử dụng); đồ dùng trong nhà bếp bằng kim loại như: xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas, bát, đĩa, thìa, dĩa và các loại vật dụng kim loại thải khác.

Chai, lọ thủy tinh đựng bia, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp; bình hoa, đồ trang trí bằng thủy tinh, pha lê; thủy tinh thải khác và các loại bao bì nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải (không bao gồm chai, lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại)

Cao su: Đồ chơi bằng cao su; săm, lốp xe, vật dụng bằng cao su các loại.

Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, như: Thức ăn thừa, hư; vỏ trái cây, rau củ; bã trà, giấy ăn, hoa lá, xác động vật và các loại khác có tính chất, thành phần tương tự.

Nhóm 3: Nhóm chất thải cồng kềnh: Là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế; gốc cây, thân cây, cành cây và các vật dụng khác tương tự.

Nhóm 4: Nhóm chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt, bao gồm: Pin, acquy, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải, bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn điện tử, thiết bị điện tử, dược phẩm hết hạn và các loại thiết bị điện tử gia dụng không còn giá trị sử dụng.

Nhóm 5: Nhóm CTRSH khác, bao gồm: Các loại chất thải phát sinh trong hoạt động sinh hoạt mà hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không xác định được là thuộc các nhóm đã quy định ở trên.

Quyết định này của UBND tỉnh Đồng Nai là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt hơn việc phân loại CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh từ CTRSH đối với môi trường sống./.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động