Bảo vệ môi trường Cụm công nghiệp theo quy định hiện nay và điều kiện để ngành Công nghiệp môi trường phát triển

29/08/2023 08:03 Phát triển ngành CNMT
Theo quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cả nước có 1.704 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 58.123ha. Theo đó, hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường trong phát triển Cụm công nghiệp góp phần tích cực và là động lực để ngành Công nghiệp môi trường phát triển song hành.

Chính phủ quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm: Xây dựng, ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, pháp luật, chứng nhận, xác nhận liên quan về cụm công nghiệp; có ý kiến về sự phù hợp, đáp ứng các nội dung, quy định đối với phương án phát triển cụm công nghiệp.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, cả nước có 968 Cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập, trong đó có 450 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban Quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Trong đó, có 955 CCN với tổng diện tích 29.782 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 664 CCN với tổng diện tích 20.222 ha đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, đến cuối năm 2020 cả nước có 730 CCN với tổng diện tích 22.336ha hoạt động, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, có 141 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động, các CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa đủ điều kiện vận hành.

Trước yêu cầu về phát triển CCN theo định hướng kế hoạch đến năm 2025và những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai các bước cần thiết để thành lập và vận hành CCN. Công tác bảo vệ môi trường đối với CCN được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường Cụm công nghiệp theo quy định hiện nay và điều kiện để ngành Công nghiệp môi trường phát triển
Xử lý nước thải phát sinh từ các Cụm công nghiệp đang là vấn đề bức thiết của nhiều địa phương

Đối với hạ tầng bảo vệ môi trường CCN

CCN cần đáp ứng yêu cầu phải có hạ tầng bảo vệ môi trường như đối với quy định của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể:

Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;

Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này;

Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Các yêu cầu đối với CCN đang hoạt động

Tại khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 CCN đang hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

Các trường hợp đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường; có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN

Được quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể: Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 ;

Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này;

Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;

Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp;

Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;

Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật; Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện về bảo vệ môi trường CCN

Tại khoản 5 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 UBND cấp huyện có trách nhiệm sau:

Đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trong trường hợp không có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp;

Lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về bảo vệ môi trường CCN

Được quy định tại khoản 6 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể:

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp;

Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp;

Ban hành lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp.

Như vậy, khi đưa CCN đi vào hoạt động thì CCN phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định, đối với CCN đang hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường… để đáp ứng yêu cầu này, ngành Công nghiệp môi trường đóng vai trò chủ đạo khi là ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

Ngành Công nghiệp môi trường phát triển cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường CCN

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về danh mục nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Trong đó, ngành Công nghiệp môi trường sẽ cung cấp các thiết bị, sản phẩm để xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải; thiết bị đo lường, giám sát môi trường; hóa chất, chế phẩm sinh học…phục vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; thiết bị, sản phẩm phục vụ khắc phục sự cố môi trường…

Như vậy, với việc các CCN phải lựa chọn công nghệ xử lý, phương án bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tế của CCN, thực hiện lắp đặt và đưa vào vận hành các hệ thống xử lý môi trường CCN là một trong những điều kiệu để ngành Công nghiệp môi trường phát triển, có những đóng góp tích cực, phù hợp với thực tế trong yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đối với CCN nói riêng.

Cùng với đó, sẽ tạo điều kiện để hệ thống các doanh nghiệp Công nghiệp môi trường phát triển mạnh hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần tích cực vào sự hoàn thiện ngành Công nghiệp môi trường, nâng giá trị đóng góp về kinh tế của ngành Công nghiệp môi trường đối với sự phát triển của nền kinh tế của từng địa phương cũng như cả nước cùng với nhiệm vụ trong yếu về bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu kép về bảo vệ môi trường đối với CCN và phát triển ngành Công nghiệp môi trường phục vụ nhiệm vụ bảo vệ môi trường của CCN rất cần những chủ trương, chính sách phát triển, hỗ trợ từ Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh trong việc phát triển CCN và hoàn thiện các định chế, cơ chế cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường mà Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.

Nguyễn Duy Thái
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động