"Căng Bắc Mê" nơi lưu giữ dấu tích cách mạng bên dòng sông Gâm

02/06/2025 08:20 Văn hóa
Đến Hà Giang, du khách thường tìm đến Cao nguyên đá hùng vỹ, đến những đồi hoa tam giác mạch đẹp đến mê hồn người, hay tới những phiên chợ tình vùng cao để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực… Nhưng có một địa danh còn lưu giữ dấu tích cách mạng của dân tộc, đó là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê tọa lạc trên sườn núi Rồng, bên dòng sông Gâm xanh biếc. Căng Bắc Mê đã và đang trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

“Căng” phiên âm theo tiếng Pháp nghĩa là đồn binh, trại lính. “Bắc Mê” theo tiếng địa phương Pác Mìa – nghĩa là cửa ngòi. Trước năm 1939, Căng Bắc Mê chỉ là đồn binh nhỏ của thực dân pháp, có khoảng 01 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương đặt dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp. Do địa thế hiểm trở, heo hút, rừng thiêng nước độc, nên thực dân Pháp đã lợi dụng nơi này để lập trại giam các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng bị bắt nhưng chưa bị kết án nhằm uy hiếp và đàn áp phong trào cách mạng. Đồn binh cũ được mở rộng, ngày 20/11/1940, Thống sứ Bắc kỳ ban hành quyết định cải tạo trại lính khố xanh Bắc Mê thành trại giam giữ các phần tử nguy hiểm cho việc phòng vệ quốc gia và an ninh.

Căng Bắc Mê nằm trên sườn núi Rồng thuộc địa bàn thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Thực dân Pháp xây dựng Căng Bắc Mê còn nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng. Căng Bắc Mê thời kỳ này thuộc tổng Yên Phú, châu Vị Xuyên. Căng nằm trên sườn núi Rồng, một sườn núi đất cao, lưng tựa vào đỉnh núi, trước mặt là dòng sông Gâm nay thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Quần thể Di tích gồm 3 khu vực: Trung tâm Căng Bắc Mê, nhà Bang tá và Kho muối (thuộc thôn Bản Noong, xã Lạc Nông).

Cổng vào di tích lịch sử Căng Bắc Mê.

Trung tâm Căng Bắc Mê được xây dựng với diện tích khoảng 2.500m2, gồm hệ thống nhà giam, bãi tập, nhà trung tâm, nhà ở của đồn trưởng, công trình phụ, nhà lính kiêm bốt gác, nhà thông tin, nhà kho, bốt gác. Xung quang Căng là hệ thống tường thành bảo vệ được xây bằng đá tảng, dài khoảng 190m, cao 2m, dày 40cm, cách 10m lại có một lỗ châu mai hình vuông. Trong quá trình xây dựng toàn bộ các công trình, nhân dân phải cung cấp nguyên vật liệu và xây dựng dưới sự cưỡng bức của thực dân Pháp.

Trung tâm Căng Bắc Mê có hệ thống nhà giam, nhà làm việc, nhà thông tin, vọng gác…

Sau khi biến nơi này thành trại giam, các tù nhân bị tra tấn cưỡng bức lao động khổ sai. Trong gian khó, các chiến sĩ Cộng sản bị giam giữ tại đây vẫn một lòng trung kiên, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng và một ngày mai tươi sáng. Từ năm 1939 đến năm 1945, có thời kỳ tại đây giam giữ đông nhất lên đến khoảng 300 tù nhân chính trị, trong đó có các chiến sĩ cách mạng, nhiều người là đảng viên Đảng Cộng sản như: Xuân Thủy, Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản… Một số nữ chiến sỹ cũng bị giam giữ tại đây gồm: Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói, Hoàng Vọng Bình, Nguyễn Thị Mỳ… Ngay trong lao tù, các đồng chí cộng sản đã thành lập chi bộ, tiến hành các hoạt động đấu tranh lan tỏa ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở khu vực Bắc Mê và các vùng lân cận.

Khuôn viên Căng Bắc Mê.

Tháng 3/1992, Căng Bắc Mê được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, được trùng tu nhiều lần. Trong phòng trưng bày giới thiệu 4 giai đoạn của Căng Bắc Mê trước, trong và sau giai đoạn 1945, du khách được khám phá không gian nhà tù, chân dung, thân thế sự nghiệp của các tù nhân chính trị qua hệ thống tai nghe và sách điện tử, du khách được nghe những câu chuyện do chính các tù nhân chính trị kể lại. Đó đều là những câu chuyện có thật của các nhân vật lịch sử, xem những thước phim tư liệu giúp du khách hình dung sinh động toàn cảnh về khu di tích những năm 1939 – 1945. Năm 2024, huyện Bắc Mê đã đón trên 50 nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch và nghiên cứu về giá trị lịch sử.

Đến Căng Bắc Mê để thêm tự hào, thêm khâm phục và biết ơn những tấm gương kháng chiến bất khuất, kiên cường.

Đến với Căng Bắc Mê, du khách không chỉ được sống giữa khung cảnh núi non hùng vỹ, ngắm dòng sông Gâm hiền hòa, mà những dấu tích và nhiều hiện vật được chính quyền, nhân dân huyện Bắc Mê lưu giữ, bảo tồn đã trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động