Cấp Giấy phép môi trường cho nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam
Phối cảnh dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn của Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội |
Tại Quyết định số 457/GPMT-BTNMT do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký đã quyết định cấp phép cho Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Nhà máy điện rác Sóc Sơn địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) và thay thế cho Giấy phép môi trường số 376/GPMT-BTNMT ngày 27/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp.
Theo đó, công suất xử lý rác thải sinh hoạt là 4.000 tấn/ngày đêm (gồm năm (05) lò đốt, công suất 800 tấn/ngày đêm/lò đốt; lượng rác tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày đêm; lượng rác đưa vào lò đốt 4.000 tấn rác/ngày đêm). Công suất phát điện 90 MW (gồm 3 tổ máy; công suất 30 MW/01 tổ máy; trong đó đã bao gồm công suất phát điện dự phòng 15MW). Tổng diện tích dự án là hơn 17,5ha.
Với quy trình sản xuất tóm tắt: Rác thải sinh hoạt → Bể chứa rác → Đảo trộn → Lò đốt → Lò hơi → Tuabin hơi → Máy phát điện → Điện → Hệ thống phân phối điện.
Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép tại giấy phép này và phải dừng ngay việc xả khí thải, nước thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kịp thời về cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố khác dẫn đến ô nhiễm môi trường; trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi khác với các nội dung đã được quy định tại Giấy phép phải kịp thời báo cáo đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Yêu cầu đối với thu gom và xử lý nước thải: Đảm bảo hệ thống thu gom, thoát nước mưa độc lập với hệ thống thu gom, xả nước thải sau xử lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nước thải ra từ hệ thống điều hòa là nước ngưng tự từ hơi nước trong không khí, được thu gom vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa; Thu gom toàn bộ nước làm mát để xử lý trước khi tuần hoàn, tái sử dụng, không được xả nước làm mát ra ngoài môi trường dưới mọi hình thức; chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xả nước làm mát ra ngoài môi trường;
Có sổ nhật ký vận hành, ghi chép đầy đủ thông tin trong quá trình vận hành công trình xử lý nước thải; Thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục phải được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục phải được truyền dẫn thường xuyên, ổn định dữ liệu, số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội. Thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục phải được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Việc kết nối, truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và quy định tại Thông tư số 10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.
Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục phải được kiểm soát chất lượng định kỳ 1 lần/năm. Trường hợp hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định, nhà máy được miễn trách nhiệm quan trắc định kỳ nước thải đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này chỉ được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục.
Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào trong nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường và phải dừng ngay việc xả nước thải để khắc phục.
Đối với thu gom, xử lý khí thải: Thực hiện việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động liên tục đối với dòng khí thải của 05 lò đốt với các chất ô nhiễm: Bụi tổng, HCL, CO, SO2, NOx (tính theo N) và quan trắc định kỳ 03 tháng/lần. Đối với các chất ô nhiễm khác thực hiện quan trắc định kỳ 06 tháng/lần; riêng tổng dioxin/furan thực hiện quan trắc với tần suất 01 năm/lần.
Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xả bụi, khí thải không đảm bảo các yêu cầu tại Giấy phép này ra môi trường.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm hoặc đột xuất; công khai thông tin môi trường và kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung cập nhật về khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh; Thực hiện trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường; Thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nêu tại Giấy phép môi trường này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.