Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường
“Xanh” hóa ngành than |
Ngay từ khi thành lập TKV đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp BVMT. |
TKV là tập đoàn kinh tế nhà nước, tiền thân là Tổng Công ty Than Việt Nam (thành lập năm 1994) và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (thành lập năm 1995) với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính gồm: Khai thác, chế biến than và khoáng sản; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, hóa chất mỏ; sửa chữa, lắp ráp, chế tạo thiết bị mỏ.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác BVMT đối với sự phát triển của ngành, ngay từ khi thành lập TKV đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp BVMT: Di dời, tháo dỡ hàng loạt các công trình sản xuất, phục vụ sản xuất khỏi trung tâm các đô thị, bàn giao hàng trăm ha đất cho chính quyền địa phương; thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc; xây dựng 50 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất xử lý trên 150 triệu m3/năm; xây dựng nhà máy chất thải nguy hại công nghiệp công suất 6.900 tấn/năm tại Quảng Ninh; xây dựng đê đập chắn đất đá chân bãi thải, củng cố hệ thống thoát nước; xây dựng 1 tuyến đường sắt và 8 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng và đến nhà máy điện; công tác thu gom, xử lý các loại chất thải, chống bụi ồn, cải tạo cảnh quan được quan tâm thực hiện thường xuyên; các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đồng bộ với dây truyền sản xuất, kiểm soát tự động đảm bảo quy chuẩn môi trường; quặng đuôi, bùn đỏ (nhà máy alumin) được thải trong các hồ chứa xây dựng đúng quy định...
Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường, TKV cũng đã sắp xếp, cải tạo nâng cấp, đổi mới công nghệ bốc rót tại các bến cảng góp phần giảm thiểu bụi, bẩn quá trình tiêu thụ than; đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hóa, ít ảnh hưởng đến môi trường (cột chống thuỷ lực, dàn chống thuỷ lực, máy khấu... trong khai thác hầm lò; máy xúc dung tích gầu xúc 10m3, ô tô tải trọng 100 tấn trong khai thác lộ thiên), nhờ đó giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45-50m3/1000 tấn xuống 7,5 m3/1000 tấn than, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 45-50 xuống 21,7% và trong khai thác lộ thiên từ 15-18% xuống 4,5%; đầu tư thiết bị lọc ép bùn nhà máy tuyển tăng tỷ lệ thu hồi than, tăng sử dụng nước tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường; các nhà máy nhiệt điện của TKV được đầu tư công nghệ tầng sôi tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng than chất lượng thấp.
Công tác BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV được phân cấp theo các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các đơn vị trong toàn TKV luôn chấp hành nghiêm túc các quy định, thủ tục pháp lý về BVMT theo đúng pháp luật quy định của nhà nước, có đầy đủ các hồ sơ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt trước khi vận hành dự án: báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nước mặt, sổ đăng ký chủ nguồn thải, kế hoạch quản lý công tác môi trường…
Về vấn đề quản lý chất thải rắn, Tập đoàn đã xây dựng 15 đập chắn và 6.400 m đê chân bãi thải để chống trôi lấp đất đá. Xây dựng 10 hố lắng đầu nguồn, cải tạo, nạo vét thường xuyên 21 hệ thống sông suối thoát nước hạn chế đất đá bồi lấp, ngăn ngừa ngập lụt các khu dân cư và vùng hạ lưu. Di dời 401 hộ dân khỏi các khu vực có nguy cơ ngập lụt. Chất thải rắn sinh hoạt của công nhân phát sinh tại các đơn vị sản xuất than khoảng 29.810 - 57.000 m3/năm, các nhà máy điện khoảng 137 - 630 m3/năm, các nhà máy xi măng khoảng 23 -29 m3 /năm được các đơn vị thu gom và thuê các công ty vệ sinh môi trường tại địa phương xử lý.
Tro xỉ các nhà máy nhiệt điện phát sinh khoảng 2,2 - 2,6 triệu m3/năm chủ yếu được vận chuyển bằng ô tô, riêng nhà máy nhiệt điện Đông Triều vận chuyển bằng băng tải để đổ thải vào các bãi thải xỉ theo quy hoạch, thiết kế.
Tro xỉ nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn hiện được sử dụng để sản xuất gạch không nung với khối lượng khoảng 10.000 m3/năm và cấp khoảng 200 - 300 tấn tro bay/năm cho các nhà máy xi măng La Hiên để làm phụ gia xi măng; nhà máy nhiệt điện Đông Triều cấp 400.000 m3/năm cho Công ty Thanh Tuyền sản xuất gạch ngói không nung; nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả bán 200.000 - 300.000 tấn tro đáy/năm cho các nhà máy xi măng làm phụ gia xi măng. Bãi thải tro xỉ một số nhà máy nhiệt điện (Cẩm Phả, Cao Ngạn, Đông Triều..) đã đầy cần có giải pháp tăng cường chuyển giao để san lấp nền, làm vật liệu xây dựng để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Nước thải các mỏ than khoảng 76,5 - 118 triệu m3/năm tùy theo lượng mưa hàng năm, các thông số ô nhiễm chủ yếu gồm pH, TSS, Fe, Mn. Để xử lý nước thải mỏ, TKV đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường -TKV đầu tư xây dựng 47 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 33.475 m3/h tương ứng 135 triệu m3/năm, đủ năng lực xử lý lượng nước thải phát sinh của tất cả các đơn vị khai thác than trong TKV, đảm bảo quy chuẩn môi trường. Các trạm xử lý nước thải mỏ than đã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động các thông số: lưu lượng, nhiệt độ, pH, COD, TSS, Fe, Mn, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Nước thải sản xuất các nhà máy điện khoảng 639 - 752 nghàn m3/năm, các nhà máy máy xi măng khoảng 53,4 - 62,5 nghìn m3/năm, chủ yếu là nước vệ sinh công nghiệp có hệ thống xử lý đầu tư đồng bộ cùng nhà máy, đảm bảo quy chuẩn môi trường. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng tháp giải nhiệt làm mát nên không thải ra môi trường, riêng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả làm mát trực tiếp bằng nước biển được giám sát chặt chẽ về nhiệt độ không làm ảnh hưởng đến môi trường. Nước thải tại các khu vực phân tán dưới 05 m3/ngày đêm chủ yếu được xử lý bằng hệ thống bể tự hoại 3 ngăn.
Đối với nước thải nhà máy điện, xi măng, hóa chất sau xử lý cơ bản được tái sử dụng cho sản xuất (chống bụi, vệ sinh công nghiệp,..); nước thải các mỏ than sau xử lý một phần được tái sử dụng cho sản xuất (chống bụi, vệ sinh công nghiệp, tắm giặt của công nhân), còn lại xả ra môi trường. Bùn từ quá trình xử lý là chất thải thông thường được vận chuyển đổ thải tại các bãi thải tro xỉ, bãi thải đất đá mỏ; các trạm xử lý nước thải các nhà máy điện và xi măng không phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động do có lưu lượng nhỏ.
Các nhà máy điện của TKV sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) có nhiệt độ lò đốt dưới 950o C nên cơ bản không phát thải NOx, lưu huỳnh được khử trong lò đốt bằng bột đá vôi hạn chế phát thải SOx, bụi được lọc bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Các nhà máy nhiệt điện của TKV đã chuyển đổi sang sử dụng dầu DO thay cho dầu FO nên đã khắc phục tình trạng phát sinh khói đen khi đốt lại lò; các nhà máy nhiệt điện của TKV đã được lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động các thông số: lưu lượng, nhiệt độ, bụi tổng, SO2, NOx, CO, O2 dư, kết nối và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương theo quy định.
Khí thải tại ống khói nung Clinhke các nhà máy xi măng được lọc bụi bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, các silo chứa nguyên vật liệu, xi măng và các khu vực phát sinh bụi khác sử dụng lọc bụi túi vải. Khí thải tại các nhà máy luyện kim được xử lý bằng thiết bị lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi; Đối với nhà máy hóa chất Amon Nitrat khí thải được xử lý theo phương pháp hấp thụ, xúc tác.
Các loại chất thải chính (dầu mỡ thải, pin, ắc quy thải, bộ lọc dầu, linh kiện thiết bị điện tử thải, rẻ lau vật dụng dính dầu mỡ, phế thải chứa amiang, vỏ thung phi chứa dầu) được các đơn vị thành viên TKV thu gom lưu giữ trước khi thuê đơn vị có chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện tại, TKV tiếp tục đầu tư đổi mới đồng bộ dây chuyền thiết bị khai thác mỏ theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu chứa ít lưu huỳnh, đảm bảo tiêu chuẩn xả khí thải ra môi trường; tăng hiệu suất đốt các nhà máy nhiệt điện, luyện kim. Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn nhiên liệu, giảm thiểu tối đa lượng khí thải CO2 phát thải ra môi trường; đưa quy trình khử SO2 bằng đá vôi vào lưu trình của các nhà máy nhiệt điện để hạn chế phát thải khí nhà kính ra ngoài môi trường.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.