Công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Định

18/01/2020 14:59 Quản lý nguồn thải
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải, đảm bảo hoạt động thu gom, đặc biệt là vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn, tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 6/4/2016 về Quy định phân vùng phát thải khí thải và xả nước thải trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1047/2016/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 về Ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025...
Công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Lào Cai - Thực trạng và giải pháp
cong tac quan ly chat thai tren dia ban tinh binh dinh
Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải khu vực đô thị tỉnh Bình Định đạt tỷ lệ khá cao.

Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Chỉ thị số12/CT-UBND ngày 20/7/2017 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn, nhất là khu dân cư, ven các tuyến tỉnh lộ, các làng nghề truyền thống, khu vực ven biển…; ngăn ngừa việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…

Nhờ chú trọng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, do đó năm qua, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải khu vực đô thị tỉnh Bình Định đạt tỷ lệ khá cao tại một số địa phương như thành phố Quy Nhơn 95%, thị trấn Bồng Sơn 90%, tuy nhiên tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ thu gom, xử lý còn thấp, mới đạt khoảng 30-40%, vì vậy tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý trên địa bàn toàn tỉnh ước tính chỉ đạt 59%, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp tại các bãi rác.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 5/12 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh đã đưa vào vận hành; 7/12 bãi chôn lấp đang hoạt động tạm thời, đa phần đều chưa được xây dựng và vận hành đạt yêu cầu vệ sinh môi trường và 3 đơn vị thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt làm phân compost nhưng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả (01 nhà máy ở huyện Hoài Nhơn công suất 10 tấn/ngày; 02 nhà máy tại tp Quy Nhơn với tổng công suất 6 tấn/ngày).

Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ thành phố Quy Nhơn. Nhà máy xử lý rác sinh hoạt sẽ thực hiện đầu tư xây dựng tại vị trí có ký hiệu là lô A-3 của Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Có diện tích đất sử dụng 4,33ha, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Công suất dự án: 700 tấn/ngày. Phân kỳ 02 giai đoạn: Giai đoạn 1: Xây dựng và hoàn thành đi vào hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày giao mặt bằng sạch, công suất giai đoạn 1: 300 tấn/ngày. Giai đoạn 2: Xây dựng và hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2025, công suất giai đoạn 2: 400 tấn ngày; Tổng công suất: 700 tấn/ngày.

Đối với công tác quản lý chất thải nguy hại, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1.018 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là Doanh nghiệp tư nhân Hậu Sanh và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quy Nhơn. Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 212,9 tấn/năm; có 13 lò đốt rác nguy hại và 01 lò vi sóng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được đầu tư và đi vào sử dụng.

Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có thành phố Quy Nhơn có 02 Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đang hoạt động với tổng công suất 16.350 m3/ngày đêm: Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phường Nhơn Bình, công suất thiết kế 14.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải 2A tại phường Trần Quang Diệu, công suất thiết kế 2.350 m3/ngày đêm để xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý ước tính đạt 45% tổng lượng phát sinh.

Công tác kiểm soát các nguồn thải lớn: trên địa bàn hiện có khoảng 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, chưa có cơ sở nào lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động