Công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Lào Cai - Thực trạng và giải pháp

08/01/2020 16:34 Địa phương
Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát sinh 460 tấn rác thải, thế nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải với công suất 174 tấn rác thải/ngày. Số rác còn lại được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu dẫn đến nguy cơ quá tải và ô nhiễm môi trường.
Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt
cong tac quan ly chat thai tren dia ban tinh lao cai thuc trang va giai phap
Khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và hoạt động sản xuất công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Lào Cai.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế. Những tiềm năng, thế mạnh là tiền đề, động lực cho tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thu hút đầu tư về phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và phát triển du lịch. Đi cùng với sự phát triển đó sẽ tạo ra những áp lực lớn trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Trong những năm gần đây, Lào Cai đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Quan điểm của tỉnh Lào Cai là “Phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT và không thu hút đầu tư bằng mọi giá”; BVMT là một trong những yếu tố quyết định để đảm bảo phát triển bền vững. Việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp lý, các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải nói riêng trên địa bàn tỉnh đã theo đúng định hướng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

Công tác quản lý chất thải rắn

Thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 399,16 tấn/ngày đêm; tại các khu vực nông thôn khoảng 222,5 tấn/ngày đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đô thị đạt khoảng 85%, trong khi tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt từ 15-20%.

Để giải bài toán đầu ra cho rác thải rắn, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Nhà máy xử lý rác thải với công suất 174 tấn/ngày và đưa vào hoạt động bãi chôn lấp rác thải với diện tích 2,2ha và có công xuất 70 tấn/ngày tại xã Đồng Tuyển. Cải tạo các khu chôn lấp rác của các huyện: xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên), xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà), xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai). Duy trì hoạt động các bãi chôn lấp hiện có tại các địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 18 bãi chôn lấp CTRSH và 01 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 khu công nghiệp và 01 khu thương mại, công nghiệp phát sinh lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTRCNTT) khoảng 9.414,2 tấn/ngày đêm, tập trung chủ yếu tại KCN Tằng Loỏng, thành phần CTR chủ yếu xỉ thải, xỉ than, bùn thải; Gisp phát sinh trong quá trình sản xuất phốt pho; DAP; DCP; luyện đồng.. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện chưa có khu xử lý chất thải tập trung, CTRCNTT do các chủ đầu tư phát sinh chất thải tự thu gom xử lý, hiệu quả chưa cao.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh giao cho các ngành xem xét về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần dịch vụ xử lý môi trường xanh Việt Sơn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại KCN Tằng Loỏng.

Về vấn đề chất thải y tế, Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 09 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 01 bệnh viện tư nhân, 35 phòng khám đa khoa khu vực; 164 trạm y tế cấp xã. Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải y tế thông thường phát sinh khoảng 2437,5 kg/ngày; tổng lượng chất thải y tế nguy hại khoảng 615,4 kg/ngày. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn y tế trên địa bàn.

Công tác quản lý nước thải

Đối với nước thải sinh hoạt: Thống kê cho thấy, tổng lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng trên 17.000 m3/ngày đêm; nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn phát sinh khoảng 13.960,28 m3/ngày đêm. Để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải, tỉnh Lào Cai đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại thành phố Lào Cai công suất 4.300 m3/ngày đêm, đã hoàn thành và đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, UBND tỉnh đang xem xét triển khai đầu tư 02 nhà máy xử lý nước thải tại thị trấn Sa Pa với tổng công suất 7.500m3/ngày đêm bằng nguồn vốn Ngân hàng Châu Á - ADB; các tiểu khu đô thị đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Lào Cai đều được quan tâm bố trí quỹ đất cho xây dựng trạm nước thải tập trung của thành phố. Sử dụng vốn của WB tài trợ Dự án Phát triển đô thị, thành phố Lào Cai. Tỷ lệ thu gom nước thải sinh hoạt đô thị loại IV trở lên (thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa) đạt khoảng 30-35% lượng nước thải phát sinh.

Đối với nước thải công nghiệp:Tổng lượng nước thải phát sinh tại 04 khu công nghiệp, khu kinh tế là 7.377 m3/ngày đêm.Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung: KCN Đông Phố Mới công suất 500 m3/ngày đêm; KCN Tằng Loỏng giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3/ngày đêm và đã đi vào hoạt động. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 50% tổng lượng phát sinh. Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Tằng Loỏng (giai đoạn 2) với công suất 4.950 m3/ngày.Trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp còn lại (khu thương mại công nghiệp Kim Thành; cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải).

Đối với nước thải y tế: Tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế có giường bệnh trên địa bàn tỉnh khoảng 1007,84 m3/ngày.đêm. Hiện có 10 bệnh viện trên địa bàn đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo đúng quy định. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Y tế duy trì vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại, lượng chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để đạt khoảng 97%. Trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đối với các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực còn lại.

Công tác quản lý khí thải

Khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông và các hoạt động sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón và sản xuất thép (chủ yếu tập trung tại KCN Tằng Loỏng) là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Lào Cai. Theo điều tra thống kê, hiện nay tổng lượng khí thải phát sinh tại các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/h, thành phần khí thải chủ yếu SO2, NOx, hơi axít, lượng khí thải tập trung chủ yếu vào các nhà máy: DAP số 2; Gang thép Lào Cai, luyện đồng Lào Cai; Phụ gia thức ăn gia súc (DCP);Nhà máy sản xuất Axit trích ly 100.000 tấn/năm và Nhà máy sản xuất phân lân giầu TSP 100.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần phân bón hóa chất Lào Cai và các nhà máy sản xuất phốt pho vàng. Về cơ bản các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, một số nhà máy sản xuất phốt pho vàng cải tạo, nâng cấp hệ thống thu khí tại bể tôi xỉ và bể khúc lưu (bể xử lý tuần hoàn nước thải)... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động một số nhà máy vẫn còn để xảy ra sự cố, rò rỉ khí thải gây tác động cộng hưởng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân sống xung quanh khu vực như: Nhà máy DAP số 2, DCP,…

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu 100% lượng rác thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. Bên cạnh đó, giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy và các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các huyện hoạt động kém hiệu quả được cải tạo, xử lý.

Để công tác BVMT nói chung và công tác quản lý chất thải nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, tỉnh Lào Cai xác định một số một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật BVMT, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về công tác BVMT, ứng phó với BĐKH; phát động các phong trào BVMT đảm bảo phát triển bền vững tỉnh Lào Cai; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội/ngành gắn với BVMT; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải phát sinh, tập trung xây dựng các chuyên đề về môi trường; đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng BVMT tại các KCN, Khu đô thị trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của các cơ sở sản xuất KDDV trong KCN; di dời, đình chỉ đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động