Đánh giá tác động môi trường Dự án Thủy điện Pa Tần 2
Bài 2: Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của Dự án |
Một góc Thị trấn Sìn Hồ |
Diện tích chiếm đất của Dự án là 11,4ha, trong đó diện tích lòng hồ là 7,91ha. Hiện trạng đất Dự án chiếm dụng bao gồm đất quy hoạch rừng sản xuất (hiện trạng chưa có rừng), đất sông suối, đất trồng lúa, đất nương rẫy, đất giao thông và đất đồi núi chưa sử dụng.
Các hạng mục, công trình chính: hồ chứa nước; tuyến đập đầu mối (gồm: đập dâng, đập tràn tự do, ống xả dòng chảy tối thiểu); tuyến năng lượng (gồm: cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy thủy điện, kênh xả, trạm biến áp, đường dây truyền tải điện từ trạm biến áp lên mạng lưới điện quốc gia).
Các hạng mục, công trình phụ trợ: kho bãi, lán trại; bãi thải; đường giao thông trong và ngoài công trường; điện, nước phục vụ thi công và sinh hoạt của công nhân; thông tin liên lạc...
Các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh
Hoạt động thi công xây dựng dự án phát sinh bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn xây dựng, rác sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải sinh hoạt, nước thải xây dựng, nước mưa chảy tràn.
Giai đoạn vận hành phát sinh nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại. Tác động đến hiện trạng môi trường khi Dự án chiếm dụng 1,02ha đất trồng lúa để thực hiện dự án (đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2019 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án phát sinh bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp tỉnh và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ); làm thay đổi địa hình, cảnh quan, thay đổi môi trường sống của hệ động thực vật khi thi công các hạng mục công trình của hồ chứa và quá trình tích nước lòng hồ. Tác động làm thay đổi lưu lượng dòng chảy suối Nậm Tần đoạn hình thành hồ chứa và lưu lượng dòng chảy suối Nậm Tiến đoạn phía sau đập đến cửa xả nhà máy (hình thành 02 chế độ dòng chảy khác biệt ở thượng lưu và hạ lưu đập mà ranh giới của chúng là đập chính của hồ chứa (trên suối Nậm Tần) và đập phụ (trên suối Nậm Tiến), có nguy cơ ảnh hưởng đến 25ha diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân bản Pa Tần 1 (vị trí nhập lưu của suối Nậm Tần vào sông Nậm Na có chiều dài khoảng 2,7km) và công trình thủy lợi Pá Nậm (kênh dẫn trên suối Nậm Tần, diện tích tưới 15ha). Tác động đến chất lượng nước hồ, đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi hồ tích nước, sinh khối ngập dưới lòng hồ sẽ phân hủy làm gia tăng các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ. Tác động tới hệ sinh thái đất ngập nước đoạn suối Nậm Tần: Quá trình ngăn dòng suối Nậm Tần, tích nước hồ chứa Pa Tần sẽ tác động đến hệ sinh thái ngập nước (gồm: tổn thất các giá trị sinh học, gây ra bởi tình trạng ô nhiễm môi trường nước và trầm tích) tại đoạn suối Nậm Tần khu vực cụm công trình đầu mối, khu vực xây dựng đập. Tác động tới hoạt động kinh tế - xã hội: Khi mực nước hồ cao nhất sẽ ngập cầu treo vượt suối Nậm Tần gây gián đoạn điều kiện giao thông qua lại của người dân khu vực hai bên bờ suối Nậm Tần gần cụm công trình đầu mối thủy điện Pa Tần 2. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người dân địa phương đi lại chủ yếu sử dụng tuyến đường dọc 2 bên bờ suối, song song với tuyến đường có cầu treo.
Các tác động do rủi ro, sự cố: xung đột trong hoạt động trữ nước cho phát điện và xả lũ hồ chứa có thể gây tác động tiêu cực cho hạ du; nguy cơ gây sạt lở, tái tạo, bồi lắng lòng hồ, xói lở hạ du, sạt trượt tại các bãi thải; sập hầm dẫn nước, vỡ đập.
Quy mô, tính chất của nước thải
Giai đoạn thi công xây dựng nước thải sinh hoạt tổng lưu lượng cần xử lý ước tính khoảng 54,6m3 /ngày, thành phần ô nhiễm gồm: chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, tổng Nitơ, tổng Phốt pho, dầu mỡ, coliform… Nước thải xây dựng khoảng 62,87m3 /ngày, gồm nước hố móng sau khi đắp đê quây thi công đập là nước suối tự nhiên thấm qua đê quây; nước rửa vật liệu để trộn bê tông, nước từ hoạt động rửa xe, bảo dưỡng, làm mát thiết bị có thành phần chủ yếu là TSS, dầu máy.
Giai đoạn vận hành, nước thải sinh hoạt ước tính khoảng 3,9m3 /ngày, thành phần ô nhiễm gồm: chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, tổng Nitơ, tổng Phốt pho, dầu mỡ, coliform… Nước làm mát tổ máy, nước rò rỉ từ nhà máy có lẫn một lượng dầu nhỏ.
Quy mô, tính chất của bụi, khí thải
Bụi và khí thải phát sinh chủ yếu trong giai đoạn thi công xây dựng, bao gồm: hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất đá thải, san gạt, đào đắp, nổ mìn hố móng và hầm dẫn nước và hoạt động của các thiết bị sử dụng dầu diezen, trạm trộn bê tông… Các thông số ô nhiễm gồm: bụi, khí SO2, NOx, CO…
Quy mô, tính chất của các chất thải rắn công nghiệp thông thường
Giai đoạn thi công xây dựng, đất đá thải phát sinh từ quá trình đào đắp, nổ mìn phá đá thi công các hạng mục của dự án ước tính khoảng 30.412,84m3 , sinh khối trong quá trình thu dọn lòng hồ ước tính khoảng 117,7 tấn. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của sinh hoạt của 780 cán bộ, công nhân tham gia thi công xây dựng ước tính khoảng 429kg/ngày. Rác sinh hoạt bao gồm các loại bao bì, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, thức ăn thừa và các loại chất thải sinh hoạt khác.
Giai đoạn vận hành, rác sinh hoạt của 65 cán bộ, công nhân vận hành nhà máy ước tính khoảng 32,5kg/ngày. Rác sinh hoạt bao gồm các loại bao bì, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, thức ăn thừa và các loại chất thải sinh hoạt khác.
Quy mô, tính chất của chất thải nguy hại
Giai đoạn thi công xây dựng, chất thải nguy hại phát sinh gồm: dầu mỡ thải ước tính khoảng 10.800 lít/năm và giẻ lau dính dầu ước tính khoảng 340 kg/năm.
Giai đoạn vận hành, chất thải nguy hại phát sinh trong giai đoạn vận hành gồm bình ắc quy 4 chì hỏng, các hóa chất độc hại khác (sơn, pin đèn, pin điện thoại…), bóng đèn huỳnh quang hỏng, các giẻ lau dính dầu... ước tính khoảng 0,5kg/ngày.
Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường
Thu gom và xử lý nước thải
Giai đoạn thi công xây dựng, để thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, thực hiện xây dựng nhà vệ sinh tự hoại tại khu vực nhà quản lý và khu lán trại. Bổ sung các chế phẩm EM để tăng cường quá trình phân hủy. Nước thải sau xử lý bằng bể tự hoại sẽ chảy vào hầm rút với lớp lọc cát, sỏi trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận. Nước mưa chảy tràn xây dựng các rãnh thoát nước trên các tuyến đường thi công, đường quản lý và các khu phụ trợ, khu lán trại. Dọc theo rãnh sẽ bố trí các hố ga để lắng đọng bùn cát trước khi chảy vào môi trường tiếp nhận. Mương rãnh thoát nước được thiết kế có dạng hình thang, kích thước trong 0,8m x 0,4m x 0,4m. Dọc theo rãnh thoát xây dựng khoảng 15 hố ga lắng cặn để bẫy bùn cát (khoảng cách giữa các hố 100-200m/hố tùy theo địa hình khu vực), các hố ga có kích thước 0,8m x 0,8m x 0,8m để lắng các cặn lơ lửng trước khi tiêu thoát vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Rãnh được thiết kế với độ đốc 2% - 3%, đáy của rãnh được lèn chặt. Nước thải chứa dầu mỡ và các tạp chất chủ yếu phát sinh từ khu vực rửa xe, sửa chữa và bảo dưỡng cơ khí được thu gom vào 02 bể lắng ngay cạnh cầu rửa xe tại khu nhà máy và cụm công trình đầu mối, dung tích mỗi bể là 3,3m3. Định kỳ 02 ngày/lần sử dụng các thiết bị chuyên dụng để vớt lượng dầu nổi, cho vào lưu chứa tại thùng chứa có dung tích 60 lít. Lượng dầu thải sẽ được thu gom và xử lý cùng với chất thải nguy hại.
Giai đoạn vận hành, nước mưa mái được thu gom bằng các đường ống PVC-D110 dẫn vào rãnh thoát nước xây dựng ngoài nhà máy. Nước mưa chảy tràn được thu gom vào rãnh thoát nước để nước chảy vào hố ga lắng cặn, độ dốc đáy rãnh từ 2-3% và thải xuống suối Nậm Tần. Nước thải sinh hoạt: xây dựng bể tự hoại 3 ngăn tại khu nhà điều hành và nghỉ ca của công nhân để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của 65 cán bộ công nhân. Nước thải chảy qua các tua bin có dính dầu được thu gom vào bể lắng tách và xử lý nước thải lẫn dầu có dung tích thiết kế là 38m3 . Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Xây dựng hệ thống thu gom thoát nước mưa, nước thải riêng biệt. Nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình vận hành Dự án được xử lý đảm bảo đạt QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (cột B, hệ số K = 1,2) trước khi thải ra nguồn tiếp nhận (suối Nậm Tần). Nước rò rỉ qua gian máy nhiễm dầu sau xử lý trong quá trình vận hành Dự án đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (cột B, hệ số Kq = 0,9 và Kf = 1,1) trước khi thải ra nguồn tiếp nhận (sông Nậm Na).
Biện pháp xử lý bụi, khí thải
Giai đoạn thi công xây dựng, tưới ẩm dọc theo các tuyến đường vận chuyển đất, đá thải; vật liệu xây dựng và tưới ẩm lên bề mặt các khu vực bị xáo trộn để xây dựng các hạng mục công trình vào những thời điểm thích hợp nhất. Tần suất tưới là 02 lần/ngày. Đối với trạm trộn bê tông: Sử dụng trạm trộn bê tông có thiết kế silo lọc bụi túi dạng khô (lọc bụi khô).
Yêu cầu về bảo vệ môi trường - Tuân thủ QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (cột B, hệ số Kp=1 và Kv=1,4).
Thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải sinh hoạt
Giai đoạn thi công xây dựng, đối với chất thải rắn sinh hoạt bố trí 15 thùng rác có nắp dung tích 240 lít đặt tại khu vực lán trại. Chủ dự án hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Để xử chất thải rắn xây dựng, bố trí 03 bãi đổ thải có tổng diện tích là 7.100m2 . Bãi thải số 1 đặt tại độ cao 400,5m, diện tích là 2.800m2 ; Bãi thải số 2 đặt tại độ cao 400m, diện tích 1.750m2 ; Bãi thải số 3 đặt tại độ cao 244,8m với diện tích 2.550m2 . Chiều cao của các bãi thải được thiết kế là 5m, chân bãi thải được gia cố bằng kè rọ đá kích thước là 2m x 1m x 1m, chiều cao kè gia cố là 3m, giật cấp 1m. Sau khi kết thúc đổ thải, Chủ dự án tiến hành phủ lớp đất màu, trồng cây keo lá tràm, đảm bảo an toàn cho bãi thải, chống xói lở, phục hồi cảnh quan tự nhiên cho khu vực và bàn giao cho địa phương.
Giai đoạn vận hành, chất thải rắn sinh hoạt bố trí 04 thùng rác có nắp dung tích 240 lít đặt tại khu vực khu quản lý vận hành và khu vực nhà máy. Chủ dự án hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý toàn bộ các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải sinh hoạt trong quá trình thi công xây dựng và vận hành Dự án bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Phối hợp với chính quyền địa phương xác định vị trí đổ đất, đá thải, phế thải xây dựng, thực bì phát sinh trong quá trình thi công; xây dựng kè chắn hoặc rọ đá chắn chân bãi thải để phòng chống đất, đá cuốn trôi xuống suối Nậm Tần, suối Nậm Tiến và sông Nậm Na; đảm bảo việc đổ thải đất, đá, phế thải xây dựng đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý bãi thải nhằm phòng chống đất, đá cuốn trôi xuống sông khi gặp mưa lớn và lũ quét; đảm bảo việc đổ thải đất, đá thải đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường; tuân thủ việc đổ thải đất đá tại bãi thải theo đúng thiết kế và quy định pháp luật hiện hành.
Thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải nguy hại
Giai đoạn thi công xây dựng: Xây dựng kho chứa chất thải nguy hại với diện tích 20m2 tại khu vực nhà máy để lưu chứa chất thải nguy hại. Kho được xây dựng kiên cố, nền kho được đổ bê tông, có tường bao quanh, gắn biển cảnh báo chất thải nguy hại theo đúng quy định. Bố trí 06 thùng chứa chất thải nguy hại dạng rắn dung tích 240 lít có nắp đậy và dán nhãn cảnh báo; bố trí 02 thùng phi sắt dung tích 200 lít có nắp đậy và dán nhãn cảnh báo để chứa dầu nhớt thải.
Giai đoạn vận hành, bố trí 2 thùng phuy sắt 200 lít để đựng giẻ lau dính dầu đặt tại khu vực nhà máy và 1 thùng nhựa dung tích 240 lít đặt tại khu vực văn phòng để thu gom các loại chất thải nguy hại khác gồm bóng đèn hỏng, pin, ắc quy thải,... Chất thải nguy hại được thu gom, phân loại và lưu giữ tại kho chứa chất thải nguy hại rộng 20m2 (được xây dựng trong giai đoạn thi công xây dựng).
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý toàn bộ các loại chất thải nguy hại trong quá trình thi công xây dựng và vận hành Dự án bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại và QCVN 50:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước.
Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, độ rung và ô nhiễm khác
Giai đoạn thi công xây dựng: Thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và độ rung sử dụng các thiết bị thi công đạt tiêu chuẩn, được đăng kiểm theo quy định; các thiết bị thi công được lắp thiết bị giảm thanh và được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên. Đảm bảo các quy định chung về công tác an toàn khi nổ mìn; áp dụng khoảng cách nổ mìn an toàn là 300m theo QCVN 02:2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
Giai đoạn vận hành: Các thiết bị gây ồn lớn như tua bin, máy phát điện, máy nén khí sẽ được bố trí dưới các tầng hầm để giảm thiểu tiếng ồn phát tán ra môi trường bên ngoài; Lắp đặt máy móc, thiết bị theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và thay thế các chi tiết bị mài mòn.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: - Tuân thủ QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung; QCVN 02:2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành có liên quan và các yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện dự án; có giải pháp kỹ thuật nổ mìn phù hợp để giảm thiểu tối đa sóng chấn động, sóng va đập không khí, bụi, đá văng trong quá trình thi công Dự án.
Công trình, biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường
Giai đoạn thi công xây dựng: Phòng ngừa sự cố cháy nổ, chập điện: Hướng dẫn các công tác phòng chống cháy nổ; Các loại dung môi và nhiên liệu dễ cháy sẽ được lưu trữ phải cách ly riêng biệt, tránh xa các nguồn có khả năng phát lửa và tia lửa điện; lắp đặt biển báo cấm lửa tại các khu vực để gây ra cháy nổ. Phương án phòng ngừa tai nạn lao động, tai nạn giao thông: tuân thủ theo quy định về sử dụng, vận hành các thiết bị; tuyên truyền các thông tin về vệ sinh, an toàn lao động; khám bệnh định kỳ cho cán bộ, lắp hàng rào, biển báo tại khu vực nguy hiểm. Biện pháp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, mưa lũ và phòng ngừa lũ ống lũ quét: theo dõi những cảnh báo khí tượng thủy văn tỉnh về dự báo lũ quét, lũ ống kịp thời, chính xác; không thi công trong thời gian có mưa lũ; cắm biển báo nơi thường xuyên xảy ra các sự cố. Biện pháp giảm thiểu tác động do sự cố vỡ đê quai: lắp đặt camera giám sát liên tục 24/24 giờ để theo dõi đê quai trong quá trình xây dựng để kịp thời phát hiện sự cố, nhanh chóng di dời phương tiện và con người ra khỏi vùng nguy hiểm, dẫn dòng toàn bộ lưu lượng qua cống dẫn dòng.
Giai đoạn vận hành: Biện pháp giảm thiểu giảm thiểu tác động do thay đổi chế độ dòng chảy trong quá trình tích nước và vận hành nhà máy thủy điện. Phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền và các đơn vị liên quan xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành theo các quy định hiện hành trong đó có các điều kiện ràng buộc về cấp nước, phòng chống thiên tai (lũ, hạn). Duy trì dòng chảy tối thiểu: Tuyến đập chính: lắp đặt ống xả dòng chảy tối thiểu có đường kính là 0,45m tại cao trình 371,7m để đảm bảo lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu không nhỏ hơn 0,72m3 /s. Bên cạnh đó, đoạn suối từ sau tuyến đập chính đến ngã ba nhập lưu suối Nậm Tần và sông Nậm Na có chiều dài khoảng 9km còn được bổ sung thêm nguồn nước tự nhiên như: nước mưa, nước chảy từ các nhánh suối gia nhập như Huổi Luông (Flv=34km2 ) bên bờ trái suối và suối Nậm Mạ, Nậm Tiến ... với tổng diện tích lưu vực khu giữa khoảng 59,8km2 . Tuyến đập phụ: lắp đặt ống xả dòng chảy tối thiểu có đường kính là 0.2m tại cao trình 399,5m để đảm bảo lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu không nhỏ hơn 0,14m3 /s. Bên cạnh đó, đoạn suối Nậm Tiến dài khoảng 2,8km từ tuyến đập phụ đến chỗ nhập lưu vào suối Nậm Tần, được bổ sung thêm nguồn nước tự nhiên như: nước mưa, nước chảy từ các khe núi, khe suối nhỏ bên bờ trái với diện tích lưu vực khu giữa khoảng 3,7km2 . Thực hiện giám sát xói lở dọc hai bên suối Nậm Tần và suối Nậm Tiến phía hạ lưu đập để có biện pháp kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực do sạt lở đất đá hai bên bờ suối; trồng cây trên các khu đất trống quanh hồ chứa để giảm thiểu xói mòn, bồi lắng lòng hồ; xây dựng các bể lắng bùn cát vùng thượng lưu hồ làm giảm lượng bùn cát lơ lửng từ thượng lưu đổ vào hồ. Phổ biến thông tin, tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, ngăn chặn hành vi chặt phá rừng khu vực xung quanh dự án.
Biện pháp giảm thiểu tác động tới chất lượng nước hồ chứa: Thực hiện các biện pháp thu dọn lòng hồ trước khi tích nước; quan trắc định kỳ, quản lý chất lượng nguồn nước trong hồ. Biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố, rủi ro vỡ đập, đảm bảo an toàn hồ chứa: Áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đập 14TCN 56-88 về độ bền và ổn định đập, đảm bảo an toàn đập theo quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BCT ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Bộ Công Thương. Thực hiện Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Thực hiện vận hành hồ chứa và liên hồ chứa theo đúng quy trình vận hành được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành về việc xả nước, xả lũ và thông tin kịp thời cho vùng hạ du và chia sẻ thông tin xả lũ với các nhà máy thủy điện khác cùng nằm trên lưu vực sông Nậm Na nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và cho các công trình vùng hạ du; thực hiện quan trắc định kỳ mực nước hồ, bồi lắng bùn cát và lượng mưa. Tổ chức bộ máy quản lý, vận hành, khai thác đảm bảo an toàn và hiệu ích cao nhất của hồ chứa; thực hiện các nguyên tắc phòng chống và xử lý sự cố trong vận hành công trình; kiểm tra toàn bộ thiết bị, công trình và nhân sự trước mùa lũ hàng năm. Lập các phương án dự báo ngắn hạn về lưu lượng dòng chảy, chất lượng nguồn nước đến hồ trên cơ sở các dự báo chung của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia; tiến hành lập hoặc cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt.
Biện pháp giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái: Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương trồng bù rừng tại phần diện tích đất trống khu vực thượng lưu hồ chứa. Thả các loài cá phù hợp với điều kiện địa phương vào hồ chứa nước và đoạn sông sau đập đầu mối; cho phép người dân hạ du sử dụng nước hồ chứa để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Phổ biến thông tin, tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, ngăn chặn hành vi chặt phá rừng khu vực xung quanh dự án và khai thác tài nguyên quá mức.
Biện pháp giảm thiểu tác động do bồi lắng hồ chứa: Theo dõi hiện trạng hồ chứa trước các mùa mưa lũ và có biện pháp thu dọn các tảng đá lăn lớn xuất hiện trong lòng hồ; xây dựng các bể lắng bùn cát vùng thượng lưu hồ làm giảm lượng bùn cát lơ lửng từ thượng lưu đổ vào hồ; kè bờ hồ, trồng cỏ bảo vệ bờ hồ đối với một số nơi xung yếu. Tiến hành nạo vét bùn cát trong lòng hồ theo kế hoạch và xả bùn cát thông qua cống xả cát về phía hạ lưu tuyến đập nhằm hạn chế lượng bùn cát di đẩy gây bồi lắng lòng hồ (cống xả cát có kích thước BxH =4x5m được xây dựng bên vai phải đập dâng, cao trình ngưỡng vào là 356m, cao trình đáy 351m).
Biện pháp giảm thiểu tác động do điện từ trường đường dây tải điện 110kV: Thực hiện quy định xây dựng công trình đảm bảo an toàn hành lang lưới điện theo Nghị định 106/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.
Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố cháy nổ: lắp đặt hệ thống báo cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, bố trí họng nước cứu hỏa và thiết bị chữa cháy đảm bảo chất lượng và hoạt động theo phương án phòng cháy, chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Lập kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý và kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố cháy, nổ và các rủi ro và sự cố môi trường khác trong toàn bộ các hoạt động của Dự án. Thực hiện giải pháp phòng ngừa và tổ chức theo dõi, giám sát các hiện tượng biến dạng bề mặt, dịch chuyển, sạt lở đất đá, dịch chuyển bãi thải trong quá trình thi công xây dựng Dự án. Khi phát hiện có dấu hiệu xảy ra các hiện tượng mất an toàn, phải dừng ngay các hoạt động sản xuất, khẩn trương đưa người và thiết bị ra khỏi khu vực nguy hiểm, tiến hành các hoạt động ứng phó, báo cáo cơ quan chức năng việc thực hiện ứng phó sự cố.
Các biện pháp bảo vệ môi trường khác: Duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 64/2017/TTBTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng; đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu và bảo vệ môi trường sinh thái phía hạ lưu đập. Thực hiện giám sát hoạt động khai thác, sử dụng đối với hồ chứa theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thực hiện việc giám sát quá trình xói lở dọc hai bờ suối Nậm Tần, Nậm Tiến phía hạ lưu đập trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy và có các giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục các tác động tiêu cực do sạt lở đất đá hai bên bờ suối. Thực hiện chương trình quản lý, giám sát môi trường và các công trình, 11 biện pháp bảo vệ môi trường khác như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; lưu giữ số liệu để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành kiểm tra khi cần thiết.
Danh mục công trình bảo vệ môi trường chính của Dự án: Mạng lưới thu gom và thoát nước mưa. Bể tự hoại 03 ngăn, dung tích 15m3 . Hệ thống thu gom và xử lý nước thải lẫn dầu (02 bể lắng thu gom nước thải lẫn dầu có thiết bị chuyên dụng vớt lượng dầu nổi, dung tích mỗi bể 3,3 m3 ). Kho chứa chất thải nguy hại có diện tích 20m2 .