Đề xuất miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013 và miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017.
Về đề xuất miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, theo đó, lần đầu tiên quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Điều 77. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ban hành, các địa phương và doanh nghiệp đã có kiến nghị không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác tính từ ngày 1/7/2011 (ngày có hiệu lực thi hành của Luật khoáng sản năm 2010) đến ngày 20/1/2014 (ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP) với lý do như sau: Trong thời gian từ ngày 1/7/2011 đến ngày 20/1/2014 các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã quyết toán năm, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế và đã phân chia lợi nhuận. Vì vậy, việc thu tiền cấp quyền khai thác trước ngày 20/1/2014 là khó khả thi. Mặt khác, khi triển khai chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, qua các buổi hội thảo, đối thoại, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động khoáng sản tại Việt Nam cho rằng “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản thuế mới trong lĩnh vực khoáng sản”. Đồng thời cho rằng đối với các dự án đầu tư khoáng sản đã lập, việc xuất hiện loại thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế của dự án. Khoảng thời gian từ 1/7/2011 đến 31/12/2013, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã quyết toán thuế, nếu kinh doanh có lãi trong giai đoạn này đã đưa vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế, giá khoáng sản trên thị trường chỉ còn 30-50% so với thời điểm cao nhất.
Về thời điểm miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014, tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (năm quyết toán tài chính tính đến hết ngày 31/12) và thực hiện Công văn số 723/TTg-CP ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, khoản thu tiền từ ngày 1/1/2014 đến ngày 20/1/2014 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thu, do đó, về thời điểm miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tính từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013. Đối với khoản thu này, nếu thực hiện hồi tố, truy thu thì sẽ rất khó khăn và không đảm bảo tính khả thi vì thực tế là các doanh nghiệp có khai thác khoáng sản đã quyết toán chi phí năm, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế.
Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2013.
Đề xuất miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Đối với việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Lần đầu tiên Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Qua hơn 6 năm thực hiện Luật, quy định này đã thực sự đi vào thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số vướng mắc cần tháo gỡ đối với số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017.
Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CPquy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/8/2017, không có tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, thời gian tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp đã được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nếu công trình đã vận hành thì tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; trường hợp công trình chưa vận hành thì tính từ thời điểm dự kiến bắt đầu vận hành.
Theo quy định của Luật và Nghị định, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là loại tiền gián thu, người sử dụng nước sau cùng phải trả tiền. Theo đó toàn bộ tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng nước cho các mục đích phải nộp tiền theo quy định của Nghị định sẽ là đối tượng phải chi trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Còn các doanh nghiệp khai thác nước chỉ là người thu hộ và được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất.
Tin mới
Tin khác
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc xả nước thải ra môi trường ở các nhà hàng, quán ăn ven biển
Thông tư Quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.