Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024

21/02/2024 13:38 Văn hóa
Sáng 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (thị trấn ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam), chùa Tam Chúc long trọng tổ chức Lễ khai hội Chùa Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024.
Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Quang cảnh tại Lễ khai hội Chùa Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024.

Tham dự Lễ khai hội có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng chí Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; đồng chí Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cùng đông đảo các tăng ni, phật tử và người dân, du khách trên cả nước về du xuân.

Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Các đại biểu tham dự Lễ hội.

Tại lễ khai hội, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát biểu khai Hội Chùa Tam Chúc Xuân Giáp Thìn năm 2024. “Hội Xuân Chùa Tam Chúc Xuân Giáp Thìn năm 2024 là dịp quan trọng, góp phần hồi sinh cho lễ hội truyền thống, là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương Hà Nam” - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2024 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh vùng đất, con người Hà Nam đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nam gắn với phát triển du lịch bền vững.

Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi Lễ.

“Với phương châm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, chủ trương phát triển du lịch đã được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết chuyên đề, quy hoạch, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp. Địa phương đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch thông qua việc tổ chức, đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, tạo tiếng vang mạnh mẽ như: Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019, Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2023, Tuần Văn hóa-Du lịch Hà Nam năm 2023, Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam-Nhật Bản, Lễ khai hội Xuân Tam Chúc hằng năm...” – Chủ tịch Trương Quốc Huy cho biết.

Cũng tại Lễ khai hội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Cup Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh tỉnh Hà Nam là một trong những điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới.

Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Các hoạt động văn hóa diễn ra trong không gian Hội Xuân Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024.

Hội Xuân Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024 là lần thứ 6 Lễ hội chùa Tam Chúc được khôi phục tổ chức. Theo ban tổ chức, đây là lễ hội phục dựng lại câu chuyện cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản gồm: Chùa Vàng - Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Chùa Bái Đính -Vân Long (Ninh Bình) – Chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) - Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương Sơn - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)...

Chùa Tam Chúc, thuộc quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là quần thể du lịch - văn hóa - tâm linh lớn nối liền giữa bốn tỉnh, thành là: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình với diện tích rộng lớn, cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ “tiền Lục nhạc, hậu Thất tinh”, tức là ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất tinh thế tay ngai vững chãi, phía trước mặt hồ có 6 quả núi nhô lên nhìn tựa 6 quả chuông của nhà Phật. Chùa Tam Chúc được xây dựng trên trục thần đạo, với các công trình kiến trúc chính như: Tháp Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Giáo Chủ, Điện Quán Âm, Nhà thờ Tổ, Nhà Tứ Ân, Cổng Tam Quan nội và Trung tâm Hội nghị Quốc tế...

Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Lễ hội thu hút đông đảo các tăng ni, phật tử và người dân, du khách trên cả nước về tham dự.

Hội Xuân chùa Tam Chúc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Không chỉ đáp ứng mong muốn chiêm bái, lễ Phật của nhân dân, tín đồ Phật tử địa phương, Lễ hội còn là dịp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh các giá trị văn hóa của quê hương, tạo điều kiện để nhân dân và Phật tử trong và ngoài nước đến với Khu du lịch tâm linh Chùa Tam Chúc.

Điểm nhấn tại lễ khai hội là nghi thức rước nước từ hồ Tam Chúc dâng lên các Điện và Chùa Ngọc. Đoàn rước nước đi thuyền rồng ra giữa hồ, nơi có cắm một cây nêu, đi quanh cây nêu 3 vòng và mang nước từ đó dâng lên các điện và chùa Ngọc. Nước được lấy ở nơi sâu nhất trong lòng hồ và là nguồn nước sạch nhất.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Trụ trì Chùa Tam Chúc, Lễ rước nước là một nghi thức truyền thống của địa phương, thường được tổ chức trong các lễ hội đầu Xuân trên cả nước nói chung và chùa Tam Chúc nói riêng với ý nghĩa cầu nguyện cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mọi người được bình an, năm mới hạnh phúc...

Đông đảo du khách tham dự Hội Xuân Tam Chúc - Xuân Giáp Thìn 2024
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Hội Xuân Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024.

“Lễ hội Xuân Chùa Tam Chúc năm nay được tổ chức long trọng với đầy đủ các nghi lễ truyền thống và các hoạt động hội với ý nghĩa khởi đầu cho một năm mới cầu nguyện an vui, hạnh phúc tới tất cả mọi người, mọi nhà. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội năm nay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Ban Tổ chức lễ hội đã có sự chuẩn bị chu đáo để đón tiếp đông đảo phật tử, nhân dân về Chùa du Xuân, chiêm bái, lễ Phật được hoan hỉ, an toàn và đạt được tâm nguyện” - Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết thêm.

Hội Xuân Tam Chúc Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức trong 2 ngày 20-21/2 (tức ngày 11-12 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Chương trình Hội Xuân Tam Chúc năm nay được chia làm 2 phần. Tối ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng), tại phía trước Trung tâm hội nghị quốc tế Vesak (Thủy đình) sẽ diễn ra chương trình: Fashion Show Nguyện ước chốn thiêng liêng và tiết mục bắn pháo hoa chào mừng lễ hội. Lễ khai hội chính thức sẽ được tổ chức vào sáng ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng). Điểm khác biệt của lễ hội năm nay so với mọi năm là thay đổi địa điểm tổ chức từ Tam quan nội chuyển ra Trung tâm hội nghị quốc tế Vesak và có thêm chương trình trao Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” từ Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards)...

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động