Đồng Nai: Tăng cường công tác xây dựng, ban hành các văn bản về quản lý, bảo vệ môi trường
Đồng Nai: Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế là không chỉ là nhiệm vụ của riêng năm 2023 |
Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023 nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng như cụ thể hóa những nội dung, công tác bảo vệ môi trường theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; xác định cụ thể công việc, phân công trách nhiệm và giải pháp thực hiện.
Kế hoạch đề ra mục tiêu trong năm 2023, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu thu gom và xử lý 100% chất thải y tế; 100% chất thải nguy hại; 100% chất thải công nghiệp không nguy hại; 100% chất thải rắn sinh hoạt; nâng cao công nghệ và xử lý triệt để chất thải; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; xử lý hiệu quả môi trường khu công nghiệp; duy trì tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 52%; ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,3%. Để thực hiện tốt Kế hoạch, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phương án thực hiện cụ thể, trên cơ sở đó giao cho các Sở, ban, ngành, UBND các thành phố, quận, huyện nghiêm túc triển khai, thực hiện.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác xây dựng, ban hành các văn bản về quản lý, bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm.
Tăng cường công tác xây dựng, ban hành các văn bản về quản lý bảo vệ môi trường
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tổ chức thực hiện triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 7729/KH-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường do Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới về môi trường; ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Nhiều giải pháp cụ thể và triệt để bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm
Bảo vệ môi trường khu vực đô thị
Đối với các Dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp thực hiện để đáp ứng được chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các Dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại các khu vực có nguy cơ ngập úng; các dự án cải tạo kênh mương, đoạn sông suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, và các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo đúng kế hoạch.
Đối với công tác bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tại khoản 2 Điều 57 Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa đánh giá mức độ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của địa phương từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện; tổng hợp tất cả các dự án về thoát nước và xử lý nước thải đô thị đã, đang và chưa triển khai thực hiện trên địa bàn.
Giám sát, kiểm soát xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài đối với Đồng Nai |
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước và của ngành y tế cho các cơ sở y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân về công tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế tư nhân, thực hiện chuyển chất thải cho các đơn vị có chức năng để xử lý theo đúng quy định; phối hợp các ban ngành giám sát chất lượng của các công trình xử lý chất thải tại các bệnh viện; phối hợp với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo duy trì việc xử lý chất thải y tế đạt 100%.
Đối với công tác thành tra, kiểm tra tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa thực hiện tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát các khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các đô thị; thực hiện nhiệm vụ quan trắc các thành phần môi trường nhằm cảnh báo cho người dân chất lượng môi trường sống và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.
Đối với việc thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi vào các khu vực chăn nuôi tập trung trên địa bàn các huyện, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa nghiêm túc triển khai đúng kế hoạch, lộ trình và đảm bảo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở vận động, hướng dẫn và tạo các điều kiện thuận lợi cho chủ doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi.
Đối với việc hiện thẩm định và cấp giấy phép xây dựng tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung theo yêu cầu tại khoản 3 Điều 59 và khoản 3 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường theo quy định.
Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đang hoạt động; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; giám sát việc xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát nước thải sau xử lý của các khu công nghiệp và các doanh nghiệp xả thải theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đôn đốc các nguồn thải thuộc đối tượng lắp đặt quan trắc tự động nước thải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường trước ngày 01/01/2024.
Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn, chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư Cụm công nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết khi triển khai thực hiện dự án; đầu tư hạ tầng và các hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định.
Giao UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện rà soát tình hình dân cư sinh sống tại các cụm công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn quản lý và đề xuất lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp; triển khai thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản 5 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường và các trách nhiệm khác quy định tại khoản 4, Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường nông thôn
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi; xây dựng kế hoạch.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện để báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi phát triển hệ thống thu gom chất thải trong chuồng trại, hệ thống lưu trữ, xử lý phân chuồng, hệ thống cây xanh quanh chuồng trại theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi xử lý gia súc, gia cầm chết theo quy định; tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi; xác định mật độ chăn nuôi theo định kỳ hàng quý theo quy định tại Kế hoạch số 15616/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh làm cơ sở đề xuất trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố Long Khánh rà soát mật độ chăn nuôi tại các địa phương nhất là chăn nuôi heo, qua đó đề xuất các khu vực không thu hút chăn nuôi tại các địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Giao Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường theo dõi đối với các cơ sở chăn nuôi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý dứt điểm việc xả thải chất thải chưa qua xử lý, phát tán mùi hôi khó chịu ra môi trường theo quy định.
Giao UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa chỉ đạo thực hiện rà soát các yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn được quy định tại khoản 1 Điều 58 và trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn được quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường, đánh giá mức độ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của địa phương từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phối hợp hướng dẫn nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm phát sinh chất thải nguy hại ở các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa căn cứ vào các vị trí đặt bể chứa đã được xây dựng để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng giữa các chủ rừng với chính quyền địa phương sở tại.
Với nhiều giải pháp thiết thực trong việc tăng cường công tác xây dựng, ban hành các văn bản về quản lý, bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm, Đồng Nai không chỉ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2023 mà còn đặt nền móng cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới qua đó sớm đưa Đồng Nai trở thành một địa phương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đứng đầu cả nước./.