Giải pháp khuyến khích phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn tại huyện Văn Chấn

10/09/2020 09:55 Địa phương
Với tỷ lệ dân số ở khu vực nông thôn chiếm trên 80% và trên 70% lao động làm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn huyện Văn Chấn nói riêng và cả tỉnh Yên Bái nói chung. Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của địa phương, ngành nông nghiệp của huyện Văn Chấn được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Yên Bái: Phát huy lợi thể phát triển năng lượng mặt trời
giai phap khuyen khich phat trien ben vung nong nghiep nong thon tai huyen van chan

Công ty Đông dược Thế Gia đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc tại huyện Văn Chấn.

Sản xuất được quy hoạch phát triển, hình thành rõ nét các vùng hàng hóa tập trung, có quy mô lớn như: Vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha, vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha, vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, vùng quế 8.400 ha, đàn gia súc chính 143.000 con…; bình quân hàng năm trồng trên 3.500 ha rừng, tạo nên vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng xấp xỉ 20.000 ha. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và vùng nguyên liệu, huyện Văn Chấn đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm đông dược, đầu tư cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn sinh học; đặc biệt dự án FDI đầu tiên đầu tư vào chăn nuôi của Công ty Nippon Zoki - Nhật Bản nuôi thỏ công nghệ cao quy mô 300.000 con/năm đã góp phần nâng cao năng lực cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được quan tâm, đã hình thành được các chuỗi sản phẩm: Cam, chè, cây dược liệu, gỗ rừng trồng (FSC). Thực hiện các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể; có 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó: Gạo nếp Tú Lệ, chè Shan tuyết và ba ba gai Văn Chấn là đặc sản nổi tiếng được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng.

Tuy nhiên, thực tế đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan thì sản xuất nông nghiệp trong phạm vi huyện và rộng hơn vẫn còn những hạn chế. Sản xuất còn thiếu tính ổn định, nhiều yếu tố phụ thuộc; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hay các tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã/tổ hợp tác) thiếu bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; người nông dân tư duy chưa thật nhạy bén, trình độ sản xuất chưa cập, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo nhu cầu của thị trường; giá sản phẩm nông sản nhiều khi ở mức thấp và bấp bênh; sản xuất ở một số lĩnh vực còn chưa ổn định, hiệu quả sản xuất thấp, kể cả những sản phẩm đã hình thành được vùng sản xuất tập trung và các sản phẩm đặc sản chủ lực chưa được phát huy hiệu quả cao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế đó là, chưa thực sự thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh và trình độ công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời cũng còn thiếu các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực.

giai phap khuyen khich phat trien ben vung nong nghiep nong thon tai huyen van chan

Công ty Nippon ZuKi đầu tư nuôi thỏ công nghệ cao tại huyện Văn Chấn.

Để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh nói chung, ngoài những định hướng đã được xác định trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, cần làm rõ thêm một số nội dung sau:

Một là: Cần có bước tác động tạo chuyển biến mạnh mẽ để nhất quán về nhận thức từ người lãnh đạo, quản lý và người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp trong hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ, chế biến, đầu tư bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và nhận rõ xu thế tất yếu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yêu cầu đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Hai là: Nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. Cần phải xác định rõ các sản phẩm chủ lực (bao gồm cả sản phẩm mới), lợi thế vùng, các sản phẩm có vùng sản xuất tập trung để định hướng đầu tư phát triển.

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh nông lâm sản lành mạnh. Kiên quyết, xử lý nghiêm việc sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn, đủ tính răn đe, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Ba là: Tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt thông qua cơ chế, chính sách thông thoáng và hành động thông suốt của cấp ủy, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ hiệu quả của tỉnh đối với các doanh nghiệp; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường và các chính sách ưu đãi tín dụng, thuế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đất đai; trong trồng trọt bước đầu cho thuê đất để hình thành vùng lõi của doanh nghiệp, sau đó mở rộng ra liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu tập trung và ổn định; trong chăn nuôi, cho thuê đất để phát triển các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn an toàn sinh học, bảo đảm môi trường.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất xứ, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị đồng bộ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bốn là: Huy động, bố trí nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ, liên thông bên trong vùng sản xuất, giữa các vùng sản xuất, giữa các địa phương với nhau để thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí phát sinh, hao tổn.

Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thực sự làm cầu nối bền chặt giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp; phản ánh tâm tư nguyện vọng, vướng mắc và phản biện các chính sách của Trung ương, của tỉnh, giúp cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm là: Đúc rút kinh nghiệm, bài học từ những chuỗi liên kết đã thực hiện để định hướng, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất thiết phải gắn sản xuất với liên kết theo chuỗi giá trị trên nền tảng chủ yếu bằng nguồn lực của doanh nghiệp, của nông dân tham gia và các hình thức tổ chức kinh tế thông qua phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác làm nhiệm vụ đầu vào cho sản phẩm hàng hóa.

Xây dựng chính sách trong tư vấn, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho người nông dân để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào trong sản xuất, vì khi hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị đòi hỏi người nông dân phải có trình độ sản xuất thì mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguyễn Đại
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động