Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch

28/10/2024 13:29 Văn hóa
Cuối Thu, chớm Đông khi những cơn gió heo may mang theo hơi lạnh ùa về cũng là lúc những cánh đồng hoa Tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) bung nở, khoe sắc. Loài hoa vùng cao đặc trưng mang sức sống mãnh liệt lên cả những vách đá đầy chông gai đã gây “thương nhớ” cho biết bao du khách mọi miền đất nước đến Hà Giang trong những năm qua.
Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch
Tam giác mạch loài hoa vùng cao đặc trưng mang sức sống mãnh liệt lên cả những vách đá đầy chông gai

Nếu ai đã một lần đặt chân đến Cao nguyên đá Đồng Văn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm chắc hẳn đều ấn tượng với loài hoa nhỏ bé mà mang trong mình sức sống vô cừng mãnh liệt. Ban đầu, người dân vùng cao Hà Giang trồng Tam giác mạch để làm lương thực, làm thức ăn cho gia súc. Khi còn non, Tam giác mạch có thể làm rau, hạt Tam giác mạch dùng để làm bánh, nấu cháo, nấu rượu… Vì vậy, Tam giác mạch đã hiện hữu trong đời sống của đồng bào vùng cao từ bao đời nay. Với vẻ đẹp mộc mạc, đượm hương núi rừng, những bông hoa Tam giác mạch bung nở, sắc hồng tím nhẹ nhàng trải khắp các sườn đồi núi Đồng Văn, những đồi hoa Tam giác mạch đẹp thuần khiết, làm say lòng du khách khi đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Về Đồng Văn nghe sự tích hoa Tam giác mạch

Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây Ngô, cấy lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Khi ngô, lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô nên gọi là mạch, lá có hình tam giác và thế là nó có tên “Tam giác mạch”.

Hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường

Sức hút kỳ lạ của loài hoa bình dị này đã thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan, thưởng ngoạn và chụp những bức hình đẹp bên những đồi hoa bạt ngàn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề bảo vệ môi trường đặt ra không ít thách thức cho chính quyền và người dân địa phương. Để hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn tuân thủ các quy định của Luật Du lịch về bảo vệ môi trường, với thông điệp “Du lịch Hà Giang nói không với rác thải”. Các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, thanh tra việc thực hiện nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Khoanh định và có cơ chế quản lý nhằm giảm thiểu, xử lý các tác động có tác hại đến môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng hệ thống nội quy, biển, bảng hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường; tổ chức các cuộc vận động, phong trào bảo vệ môi trường; trồng cây xanh tại các điểm du lịch. Phối hợp với các cơ quan liên quan đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Các ngành liên quan đã phối hợp với các địa phương tổ chức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” dự kiến được khai mạc vào ngày 9/11/2024 tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động đặc sắc như: Hội thi trình diễn và giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện; hoạt động trải nghiệm dệt lanh, thêu thổ cẩm; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ truyền thống; trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương tại khu vực Phố cổ Đồng Văn. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trải nghiệm tại điểm trồng hoa Tam giác mạch, các điểm dừng chân trên địa bàn huyện. Tại các làng văn hóa du lịch như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu thôn Ma Lé, xã Má Lé; thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú cũng diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… để du khách trải nghiệm mùa lễ hội một cách trọn vẹn và ấn tượng.
Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động