Hà Nội: Nhiều bất cập trong thực hiện thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp

17/09/2018 14:57 Tác động môi trường
“Nhiều Cụm Công nghiệp (CCN) đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), nhiều trạm hoạt động dưới công suất thiết kế…” Đó là nhận định của đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội nêu ra trong buổi làm việc đầu tháng 9 năm 2017 với các sở, ngành liên quan, sau đợt giám sát thực tế việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và XLNTTT tại các CCN trên địa bàn.

Không hoạt động, công suất thấp, tiến độ quá chậm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Đồng Phước An cho biết: Hiện Hà Nội có 43 CCN đã đi vào hoạt động ổn định thì trong đó có 21 CCN có trạm XLNT, 9 CCN do chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và 12/15 CCN thuộc Đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2015.Đối với 9 CCN đã đầu tư xây hệ thống XLNT, có 7 cụm đã có trạm XLNT hoạt động ổn định, song đều có công suất thực tế thấp hơn công suất thiết kế. Còn lại 2 CCN, Tiểu thủ công nghiệp có trạm XLNT nhưng không hoạt động là Tân Triều (Thanh Trì) và Cụm TTCN Duyên Thái (Thường Tín). Với 15 CCN thuộc Đề án, vẫn còn 6 CCN đã có trạm XLNT nhưng chưa đi vào hoạt động, gồm: Ngọc Hòa (Chương Mỹ), Liên Phương (Thường Tín), Nguyên Khê (Đông Anh), Đông Anh (Đông Anh), Phú Thị (Gia Lâm), Phúc Thọ (Phúc Thọ); cùng 3 CCN chưa có trạm XLNT là Liên Hà (Đan Phượng), Ngọc Hòa (Chương Mỹ), Phúc Thịnh (Sơn Tây). Bên cạnh đó, còn 19 CCN chưa được thực hiện đầu tư xây dựng trạm, trong đó 8 CCN không phù hợp quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất, còn 11 CCN phù hợp quy hoạch nhưng quy mô nhỏ và với khối lượng nước thải nhỏ (20-220 m3/ngày đêm).
Là một thành viên đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố ông Vũ Ngọc Anh nhận định: Đối với công tác phân cấp thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) tại các CCN chưa có trạm XLNT còn có tình trạng, chính quyền địa phương lúng túng trong việc thu phí đối với các hộ kinh doanh gia đình, mà nguyên nhân được đưa ra là do chưa có hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường... Như ở huyện Thanh Trì, khoản thu được 200 triệu/năm thực tế chỉ thu chủ yếu từ CCN Ngọc Hồi, còn lại các khu, CCN khác thu không được đáng kể. Chính việc thất thoát này dẫn đến quản lý không tốt, nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường thực tế triển khai rất khó khăn.
Đáng chú ý, chỉ còn 3 tháng nữa để Thành phố hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017, trong khi theo Nghị quyết của HĐND Thành phố hết năm 2017 Hà Nội phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tại 2 trạm Ngọc Sơn (Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (Sơn Tây) theo khảo sát thực tế, hiện tiến độ xây dựng gần như dậm chân tại chỗ. “Việc tính toán thiết kế không phù hợp với thực tế dẫn đến kinh phí hỗ trợ của Thành phố đối với những trạm này bị lãng phí, thể hiện đồng vốn không được kiểm soát, ngân sách được sử dụng không hiệu quả. Các Sở Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường là những đơn vị được giao trách nhiệm cũng cần đôn đốc sát sao tiến độ triển khai này”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trách nhiệm của các sở, ngành đến đâu?
Theo các thành viên đoàn giám sát, bất cập nhất hiện nay là nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNTTT (mới có 19 cụm, chiếm 44,2% trong số 43 CCN đang hoạt động ổn định trên toàn Thành phố), Thành phố đã có Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT tập trung cho 19 CCN này giai đoạn 2016-2020, trong đó chuyển giao nhiệm vụ thực hiện từ Sở Công Thương về Sở Xây dựng từ giữa năm 2016, nhưng tiến độ đến nay còn chậm.
Đáng chú ý, một câu hỏi được đặt ra là, trong các CCN đã được đầu tư trạm XLNT thì có 2 CCN là Tân Triều và Duyên Thái đã có trạm XLNT từ lâu nhưng không hoạt động, vậy trách nhiệm của các địa phương và các sở ngành liên quan đến đâu? 15 CCN có trạm XLNT hoạt động dưới công suất thiết kế, cho thấy công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư trước đây có nhiều bất cập. Chính vì các trạm được tính toán thiết kế công suất không phù hợp thực tế dẫn đến giá thành xử lý cho 1 m3 nước thải quá cao, nên rất nhiều doanh nghiệp trong các CCN đã có trạm XLNT không đấu nối đường xả thải của mình vào khu XLNTTT.
Bên cạnh đó, có 6 CCN đã được cơ bản hoàn thành đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động, theo các sở ngành là do nhiều nguyên nhân khách quan về nghiệm thu, thủ tục đấu nối… Nhưng khi rà lại từng dự án, đoàn giám sát nhận thấy, việc đầu tư đã hoàn thành từ rất lâu rồi. Không thể chấp nhận tình trạng CCN đã được đầu tư nhiều năm nhưng chỉ vì vướng thủ tục pháp lý mà đến nay chưa đi vào hoạt động, hoặc hoạt động rồi nhưng chưa được cấp phép xả thải, vẫn xả trực tiếp ra môi trường.Riêng với 2 cụm Ngọc Sơn, Phú Thịnh đã được phê duyệt dự án từ năm 2014 nhưng giờ chưa xong, vậy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc là của các sở, ngành đến đâu? Đặc biệt, hiện trong 21 trạm XLNT đã hoàn thành thì mới có 12 trạm được cấp phép xả thải, trong đó 1 trạm đã hết hạn từ năm 2015. Trong 21 cụm này cũng mới có 6 cụm được đấu nối 100% vào hệ thống XLNT chung, còn lại chỉ đạt 40-70%. Điều này có trách nhiệm trước hết là của doanh nghiệp, song còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý (UBND huyện và các sở, ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường) trong việc kiểm tra, đôn đốc xử lý các doanh nghiệp trong thời gian qua. Hơn nữa, theo quy định, các doanh nghiệp trong CCN phải có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi vào hệ thống chung, nhưng thực tế hiện nay, công tác quản lý việc này rất kém, hầu như doanh nghiệp không có hệ thống này.

Theo Kinh tế Đô thị
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động