Hà Nội với phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”
Việc xây dựng tuyến đê theo hướng kiểu mẫu đã giúp ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong Nhân dân và tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp cho khu vực dân cư nông thôn ven đê hữu Hồng. |
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát động năm 2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai. Những năm qua, Chi cục đã phối hợp với quận, huyện, thị xã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép đầu tư nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh mặt cắt các tuyến đê đáp ứng được tiêu chí tuyến đê kiểu mẫu.
Huyện Đan Phượng là một trong các địa bàn được chọn thí điểm, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, địa phương đã ban hành kế hoạch và triển khai đến các xã, thị trấn có đê. Theo đó từ năm 2016, UBND huyện Đan Phượng đã tập trung xử lý giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, không để phát sinh vi phạm mới, xử lý các vi phạm tồn đọng, phấn đấu đạt 30%/năm. Đồng thời, bằng nguồn ngân sách địa phương thực hiện chỉnh trang mái thượng lưu đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Hồng Hà dài 2,85 km (từ K40+350 đến K43+200) đắp đất mái đê đủ hệ số theo thiết kế; trang trí trồng cỏ trên mái đê nhằm chống lấn chiếm vi phạm, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản đê điều trong nhân dân, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho khu vực dân cư nông thôn. Sau khi công trình hoàn thành UBND huyện giao các ngành đoàn thể xã trông nom, chăm sóc hiệu quả.
Trên cơ sở kết quả đạt được, hằng năm huyện Đan Phượng tiếp tục phát động phong trào thi đua để nhân rộng trên toàn huyện; một phần kinh phí do ngân sách huyện, đồng thời huy động nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân và đề nghị Trung ương, thành phố Hà Nội hỗ trợ, đến nay các tuyến đê trên địa bàn huyện cơ bản đạt tiêu chí “tuyến đê kiểu mẫu”.
Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết: Việc xây dựng tuyến đê theo hướng kiểu mẫu đã giúp ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong Nhân dân. Đặc biệt là tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp cho khu vực dân cư nông thôn ven đê hữu Hồng.
Tại huyện Quốc Oai, tuyến đê hữu Đáy trên địa bàn huyện được Thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ, nâng cấp mở rộng mặt đê kết hợp giao thông bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố, giao UBND huyện Quốc Oai làm Chủ đầu tư thực hiện dự án. Cụ thể: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh lộ 421A và 421B, đoạn qua địa bàn huyện Quốc Oai (đoạn từ cầu vượt Sài Sơn đi chùa Thầy đến đường 421A giáp ranh huyện Phúc Thọ), tương ứng từ K5+762 đến K7+030 đê hữu Đáy với tổng chiều dài 1.416m; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu Đáy, tuyến đường tỉnh lộ 421A từ Liên Hiệp, Phúc Thọ - Yên Sơn - Thị trấn (tỉnh lộ 419) đi Tân Hòa, huyện Quốc Oai, tương ứng từ K7+030 đến K16+900 đê hữu Đáy với tổng chiều dài 9,87km…Các dự án trên đã triển khai cải tạo, nâng cấp mặt đường đê, xây dựng hệ thống tường chắn đất bằng BTCT để ổn định nền, mở rộng mặt đường và hoàn trả trạch đất bằng trạch BTCT; xây dựng hệ thống công trình phụ trợ gồm: hệ thống thoát nước, các nút giao, dốc lên đê, cọc tiêu, cột Km, hệ thống an toàn giao thông.
Một đoạn đê kiểu mẫu thuộc tuyến đê hữu Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội |
Còn tại huyện Hoài Đức, tuyến đê tả Đáy trên địa bàn huyện Hoài Đức được UBND Thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ, nâng cấp mở rộng mặt đê kết hợp giao thông bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố, giao UBND huyện Hoài Đức làm Chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức; tương ứng từ K2+700 - K19+490 đê Tả Đáy với quy mô tổng chiều dài khoảng 16,79km với hình thức gia cố mở rộng mặt đê rộng 9m, mặt 7m, chỉnh trang mái đê toàn tuyến và cải tạo dốc lên đê; chiều rộng nền đường 9,0m, chiều rộng mặt đường xe chạy là 7,0m (gồm 02 làn 2x3,5m), lề đường 2 bên rộng 1,0m/lề, trong đó phần lề gia cố 50cm. Cho đến nay dự án đã thi công cơ bản hoàn thành gần 100% khối lượng.
Ngoài ra, phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” còn được triển khai sôi nổi tại các địa bàn khác của thành phố như các huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Mê Linh; quận Long Biên.
Trao đổi với phóng viên, Chi cục phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Sau 05 năm phong trào thi đua được phát động và thực hiện sâu rộng, thu hút đông đảo công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực quản lý đê điều, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tự giác, tích cực tham gia tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đê điều. Đến nay, Hà Nội đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận 4 tuyến đê kiểu mẫu gồm: Hữu Đuống (K0-K5+120), tả Hồng (K64+126-K66+000), hữu Hồng (K94+500-K97+400), hữu Hồng (K40+350-K44+100).
Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN & PTNT Hà Nội đã đề xuất tiếp tục duy trì, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí “Hạt Quản lý đê điển hình” đối với Hạt Quản lý đê Long Biên và Hạt Quản lý đê Thường Tín. Đồng thời, đăng ký nhân rộng thêm 7 “Hạt Quản lý đê điển hình” và 6 tuyến đê kiểu mẫu (Vân Cốc, Hữu Hồng, Tả Hông, Hữu Đuống, Tả Đuống, Tả Đáy), với tổng chiều dài khoảng 211km.
Đối với những nội dung đã đăng ký, vừa qua, Sở NN & PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai rà soát, đối chiếu các tiêu chí “Hạt Quản lý đê điển hình” và “Tuyến đê kiểu mẫu” với hiện trạng tuyến đê và hồ sơ quản lý. Cùng với đó, đôn đốc, hướng dẫn các hạt quản lý đê từng bước hoàn thiện các tiêu chí; định kỳ báo cáo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) theo yêu cầu.
Đại diện Chi cục Phòng, chống thiên tai cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” sẽ tiếp tục được đơn vị duy trì và đẩy mạnh nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, tiến tới giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều.
Chi cục Phòng, chống thiên tai cũng sẽ nghiên cứu, báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND Thành phố có cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiến tới nhân rộng các “Hạt quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu”. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp tăng cường khả năng phòng, chống lũ của hệ thống đê, kết hợp cải tạo cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.