Hải Dương: Đồng ruộng “ngộ độc” ni lông

04/08/2023 11:16 Quản lý nguồn thải
Tình trạng nông dân nhiều địa phương ở Hải Dương dùng ni lông quây ruộng để ngăn chuột cắn phá lúa dường như ngày càng trở nên phổ biến, trên các cánh đồng thuộc nhiều huyện tràn ngập màu trắng của ni lông.
Hải Dương: Đồng ruộng “ngộ độc” ni lông
ảnh minh họa

Vừa kết thúc gieo cấy vụ mùa 2023, trên khắp cánh đồng thuộc các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Nam Sách… trắng xoá ni lông quây ruộng để ngăn chuột cắn phá lúa. Một số nông dân ở huyện Tứ Kỳ thậm chí còn dùng cả những tấm tôn ghép lại với nhau để quây xung quanh ruộng.

Nông dân các địa phương trên thường sử dụng khoảng 2 kg ni lông, trị giá 100.000 đồng để quây 1 sào ruộng. Nếu mua tôn để quây ruộng thì số tiền này còn cao hơn nhiều.

Ở nhiều nơi, chuột cắn cả ni lông để chui vào ruộng tàn phá lúa. Do đó, thường chỉ sau 1-2 vụ, nông dân lại phải thay loạt ni lông mới. Ni lông hư hỏng, không còn giá trị sử dụng sẽ bị đem đốt hoặc vứt bỏ ngay tại đồng ruộng rất khó phân hủy và gây ô nhiễm môi trường.

Dễ thấy, để ngăn chặn chuột cắn phá lúa mới cấy, nông dân thường dùng nilon quây quanh ruộng. Đây là cách làm tốn kém, hiệu quả không cao. Biện pháp tối ưu là phải diệt chuột. Mặt khác, việc sử dụng ni lông hay tôn để quây ruộng đều gây ảnh hưởng tới việc điều tiết nước trong khi hầu hết các giai đoạn phát triển của cây lúa đều cần nước.

Hàng chục năm về trước khi các phương thức diệt chuột chưa tiến bộ như ngày nay, hầu hết các địa phương đều duy trì được phong trào diệt chuột trong nông dân. Nếu tái khởi động phong trào này, tổ chức một cách thường xuyên và kết hợp những phương thức diệt chuột mới chắc chắn nạn chuột cắn phá lúa, hoa màu sẽ giảm, nông dân cũng không phải tốn chi phí mua ni lông quây ruộng.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động