Hoàn Kiếm: Điểm sáng của Thủ đô trong công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

26/06/2024 07:49 Phát triển Công nghiệp môi trường
Cùng với cả nước, Hà Nội đang gấp rút triển khai các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang có nhiều hoạt động tích cực để thực hiện thắng lợi mục tiêu về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tiêu biểu như quận Hoàn Kiếm.
Hoàn Kiến phấn đấu thực hiện tốt, đúng thời hạn việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn theo đúng thời gian quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Bà Lê Anh Thư, Phó chủ tịnh UBND quận Hoàn Kiếm: "Hoàn Kiến phấn đấu thực hiện tốt, đúng thời hạn việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020"

Là quận có vị trí trung tâm Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị của Thành phố, nơi tập trung các hoạt động giao thương, buôn bán sầm uất chứa đựng kho tàng giá trị phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với diện tích tự nhiên khiêm tốn, nhưng Hoàn Kiếm lại có số lượng phường tương đối đông so với các quận khác trên Thủ đô. Đây là các phường có vị trí, giá trị quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, lịch sử cũng như địa điểm thu hút hầu hết khách du lịch khi đến thăm Hà Nội.

Với những nét đẹp đậm chất truyền thống của 190 điểm di tích lịch sử - văn hóa- di tích cách mạng bên cạnh không gian văn hóa ẩm thực, không gian đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng như những nét đẹp hiện đại đến từ hệ thống các nhà hàng, khách sạn đẳng cấp đã biến Hoàn Kiếm thành điểm đến tuyệt vời cho các gia đình, du khách trong và ngoài nước.

Tuy với diện tích chỉ khiêm tốn khoảng 5,34 km2 với dân số khoảng 141.028 người (khoảng 38.638 hộ) trong đó số hộ kinh doanh khoảng 15.000 - 18000 hộ cùng với lượng khách vãng lai, khách du lịch lớn khoảng 2,0 - 2,2 triệu người/năm đã mang đến cho quận Hoàn Kiếm một áp lực vô cùng lớn về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn. Nguyên nhân chính đến từ rác thải của các hộ dân, hộ kinh doanh và các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ quan, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Không những số lượng rác thải phát sinh lớn mà còn có dấu hiệu tăng lên theo từng năm. Năm 2022 lượng rác thải phát sinh trên địa bàn quận là 68.980 tấn (tương đương 188,98 tấn/ngày) trong đó lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý chất thải Nam Sơn sau khi tổ chức phân loại là 68.197 tấn (tương đương với 186,843 tấn/ngày) đạt 98,8%, phần còn lại là rác tái chế được Urenco Hà Nội thug om chuyển đến Kho tái chế tại Lâm Du.

Năm 2023 lượng phát sinh chất thải trên địa bàn quận là 76.409 tấn (tương đương khoảng 209,34 tấn/ngày), trong đó số lượng rác thải được thug om, vận chuyển và xử lý sau khi tổ chức phân loại là 75.347 tấn (tương đương 206,430 tấn/ngày) đạt 98,6%, phần còn lại là rác thải tái chế.

Có thể nhận thấy giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm việc tổ chức thu gom, phân loại và xử lý chất thải đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên giai đoạn này rác thải mới được tập trung phân loại thành 02 loại là rác thải tái chế và rác thải còn lại. Kết quả phân loại và thu gom rác tái chế cũng có nhiều chuyển biến tích cực (Năm 2022 đạt 783,9 tấn, trung bình 2,1 tấn/ngày đạt tỷ lệ 1,1% trên tổng khối lượng rác trung bình; Năm 2023 đạt 1.062,92 tấn, trung bình 2,9 tấn/ngày đạt tỷ lệ 1,4% trên tổng lượng rác trung bình của cả quận Hoàn Kiếm).

Để có được thành công trong việc quản lý, thu gom, phân loại chất thải trong giai đoạn vừa qua có một phần không thể thiếu đó chính là ý thức người dân. Nhân dân trên địa bàn quận đã nhận thấy những giá trị tích cực, hiệu quả đến từ việc giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp không những đem lại các giá trị về kinh tế khi thu hút được thêm nhiều khách du lịch cũng như nâng cao sức khỏe khi sống trong một môi trường trong lành.

Bên cạnh ý thức của người dân, sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đã dần khiến bộ mặt quận ngày càng được tươi sáng, xứng đáng với các giá trị văn hóa, nét đẹp của Thủ đô.

Với những chương trình tổ chức đổi rác lấy quà vào sáng thứ 7 hàng tuần tại 5 điểm thu đổi trên địa bàn quận (số 8 Pham Huy Chú, 27 Lý Thái Tổ, Phùng Hưng – Cửa Đông, 8 Lê Thái Tổ, 69 Vọng Hà) cũng như việc tổ chức thu mua, trao đổi rác tái chế giữa công nhân môi trường và người thu gom tại 08 điểm tập trung trên địa bàn phường phần nào đó đã thể hiện trách nhiệm của chính quyền luôn đồng hành cùng nhân dân trên địa bàn quận chung tay hướng đến một Hoàn Kiếm “Sạch - Văn minh - Đồng bộ - Hiện đại).

Cùng với việc chỉ đạo làm tốt công tác thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt thông qua các hệ thống văn bản, quận đã phối hợp tốt với đơn vị chuyên thu gom, xử lý chất thải là Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội tổ chức quản lý và vận hành hiệu quả 510 thiết bị thu chứa, 19 phương tiện chuyên dụng để đảm bảo việc thu gom, vận chuyện rác thải hàng ngày không để tồn đọng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Có thể nhận thấy trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn quận, công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã dần đi vào nề nếp, có hiệu quả và là tấm gương cho các quận khác trên địa bàn Thành phố noi theo.

Tuy nhiên, trước mắt khi việc phân loại chất thải bắt buộc phải thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội cũng mang đến nhiều khó khăn cho quận trong việc triển khai phân loại và thu gom. Những khó khăn này đến từ việc trên địa bàn quận vẫn còn nhiều điểm tập kết, thu gom rác thải nằm trong khu dân cư (92 điểm) được thu gom bằng các xe đẩy tay trước khi được các xe chuyên dụng đến để chuyển đi. Việc sử dụng các xe đẩy tay thu gom, tập kết rác gây ra tình trạng mất mỹ quan, nước rỉ rác gây mùi khó chịu cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân lân cận.

Song song với đó, công tác tuyên truyền về thu gom, vận chuyển rác thải và bảo vệ môi trường chưa thực sự sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân cũng khiến cho công tác phân loại chất thải bắt buộc phải thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường cũng theo đó mà phức tạp và thách thức hơn.

Về công tác phân loại rác các giai đoạn trước chỉ phân thành 02 loai (rác tái chế và rác còn lại) chưa đáp ứng được các mục tiêu theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nhận thức được các nhân tố gây khó khăn và xác định được mục tiêu cần hướng đến, quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung các nguồn lực, phát huy các giá trị đã đạt được trong những năm qua để làm tốt công tác trong thời gian tới đặc biệt quyết tâm thực hiện tốt Phương án thí điểm mô hình “Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận năm 2024” theo Phương án được phê duyệt của UBND quận tại Văn bản số 981/PA-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2024).

Trong đó, quyết tâm đảm bảo 100% lượng rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn quận được kịp thời vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định; 100% hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải; lượng chất thải thu hồi để tái chế, tái sử dụng hoặc chế biến chất thải hữu cơ đáp ứng yêu cầu của Thành phố.

Quận cũng sẽ quyết liệt chỉ đạo, giám sát và tiến hành xử lý với các trường hợp vi phạm các quy định về phân loại rác tại nguồn. Theo đó, bắt buộc người dân, cá nhân, tổ chức phải thực hiện phân loại chất thải thành 4 loại gồm: chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và rác thải còn lại. Cùng với đó, quận cũng quy định rõ các điểm tập kết, thời gian thu gom cũng như quy trình cụ thể với từng loại bên cạnh các yêu cầu về bao bì đựng rác thải, yêu cầu khi thực hiện phân loại để người dân dễ dàng thực hiện.

Để các phường trên địa bàn quận có thể nắm được thông tin, nội dung cũng như phương án, kế hoạch triển khai, ngày 20/6/2024, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thí điểm Hội nghị “Thực hiện phương án thí điểm mô hình quản lý, phân loại, thu gom, và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phường Hàng Đào”.

Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện triển khai mô hình “Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” đến 18 phường trên địa bàn quận. Đây cũng thể hiện một quyết tâm lớn, thống nhất và mong muốn hướng đến xây dựng quận trở thành một điểm sáng với 100% phường tham gia hiệu quả công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Nỗ lực của các cấp chính quyền, đảng bộ và nhân dân quận Hoàn Kiếm trong suốt thời gian qua không chỉ là điểm sáng của Thủ đô trong công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mà còn mang đến một sức lan tỏa rộng khắp đến các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, mang đến hơi thở, tình yêu của nhân dân trong việc xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh - hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động