Hội nghị trực tuyến về quản lý, phát triển Cụm Công nghiệp giữa Bộ Công Thương với 63 tỉnh, thành phố
Cùng tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu Hà Nội còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm, cùng Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phát triển CCN là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong quá trình nông thôn mới. Phát triển CCN có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khu vực nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 đã đề ra.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển CCN theo hướng bền vững. Cơ chế chính sách cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhưng chưa thật đồng bộ, phát triển các CCN chưa thực sự đều, hiệu quả hoạt động của các CCN cũng chưa cao.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần nhìn thẳng vào những tồn tại, những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như việc thực thi chính sách về quản lý và phát triển CCN. Từ đó, thống nhất định hướng và một số nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển CCN trong thời gian tới.
Thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật
Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ quản lý CCN trên phạm vi cả nước. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CCN hiện hành, bao gồm Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP, Thông tư 28/2020/TT-BCT về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển CCN thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương |
Hiện nay, các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong đó, nhiều địa phương đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chất lượng công tác bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt. Theo đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Trung cũng nhìn nhận, vẫn còn một số tồn tại trong việc quản lý, đầu tư phát triển CCN như: Một số địa phương chưa lập quy hoạch phát triển nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển CCN, hoặc một số địa phương khác chậm điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển CCN trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa bám sát nhu cầu phát triển công nghiệp cũng như điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông trên địa bàn nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Việc lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (trong đó có Phương án phát triển CCN) tại nhiều địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68/2017/NĐ-CP và của pháp luật ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ. Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các DN thứ cấp vào CCN. Nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình CCN do nhà nước làm đầu tư sang DN làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng để xử lý những tồn tại trước đây.
Theo đó, Cục trưởng Ngô Quang Trung cho rằng, các địa phương cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn; xử lý, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền có ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo quy định. Chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, CCN. Khi thành lập mới các CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút lấp đầy CCN...
Đề xuất giải pháp quản lý, phát triển CCN
Thông tin về tình hình phát triển CCN trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc quản lý CCN đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Mặc dù ngân sách nhà nước cho các CCN chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội |
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng thẳng thắn chia sẻ, các CCN trên địa bàn chủ yếu mang đặc thù CCN làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình CCN tập trung. Ngoài ra, phát triển CCN trên địa bàn thành phố còn không được trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện chữa cháy; việc quy hoạch phát triển CCN còn gặp nhiều khó khăn…
Đại diện Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đề xuất với Bộ Công Thương thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tổ chức các Hội nghị giao ban giữa Bộ Công Thương với UBND các tỉnh, Thành phố để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, phát triển CCN…
Đồng tình với nhiều ý kiến tại Hội nghị về vai trò của CCN trong sự phát triển của địa phương, Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định, lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực số 1 dẫn dắt sự tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới, với định hướng, mục tiêu: Phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng; công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá; Phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo. Để tạo thể chế mới đột phá cho phát triển công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó bên cạnh việc quy hoạch các khu kinh tế (02 KKT) và các khu công nghiệp (08 KCN), tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN).
Theo Báo cáo của Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã quy hoạch phát triển 53 CCN với tổng diện tích 1.273,06 ha, trong đó có 24 CCN đã thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh; 16 CCN đã phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 253 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào thuê đất, tạo việc làm cho 22.360 lao động, giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong CCN đạt xấp xỉ 3.655 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hàng năm khoảng 450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các CCN trên địa bàn Nghệ An còn thiếu đồng bộ, chắp vá, chưa tạo được CCN có hạ tầng kiểu mẫu chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là hạng mục xử lý nước thải, tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Theo đó, đại diện tỉnh Nghệ An đề xuất, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào các CCN, CCN làng nghề. Tiếp tục cân đối các nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn hàng năm để cùng với nguồn vốn đối ứng của UBND cấp huyện, vốn xã hội hóa,… đầu tư các hạng mục thiết yếu nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.
Chia sẻ về tình hình quản lý, phát triển CCN khu vực miền Nam, Đại diện tỉnh Long An cho biết, từ khi bắt đầu nhiệm vụ quản lý CCN, đến nay tỉnh Long An có 22 CCN đã đi vào hoạt động, tiếp nhận hơn 622 nhà đầu tư thứ cấp, diện tích đất đã cho thuê khoảng 756,48 ha, tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động khoảng 77,67%; 14 CCN đang triển khai các thủ tục về đất đai (giải phóng mặt bằng, xin giao đất), xây dựng (lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, Hồ sơ thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp), đánh giá tác động môi trường; 24 CCN đang thực hiện thủ tục chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp…
Tuy nhiên, Đại diện tỉnh Long An chia sẻ, trong quá trình hoạt động, các CCN còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý và đầu tư, bảo vệ môi trường… Do vậy, Lãnh đạo tỉnh Long An đề xuất Bộ Công Thương đồng hành, tháo gỡ khó khăn, để công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với 63 tỉnh/thành phố ngày hôm nay thể hiện mong muốn cũng như quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc đồng hành với các địa phương phát triển công nghiệp thời gian tới. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao các ý kiến của địa phương tại Hội nghị vì đã tập trung thẳng vào những vấn đề tồn tại, từ đó, có những đề xuất, kiến nghị rất xác đáng với Chính phủ, Bộ Công Thương. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp những đề xuất, kiến nghị đó và báo cáo Chính phủ, góp phần định hướng phát triển các CCN trong thời gian tới một cách mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả.
Nhận thức về vai trò của CCN tại các địa phương được nâng lên rõ nét
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian vừa qua quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Nhà nước, các địa phương đã triển khai thực hiện khá nghiêm chỉnh và đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác phát triển và quản lý CCN. Nhận thức về sứ mệnh, vai trò của các CCN tại các địa phương được nâng lên rõ nét.
Bộ trưởng khẳng định: “Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành chức năng đã kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng bằng những quy định rất cụ thể như Quyết định 105 (năm 2009) Nghị định 68 năm 2017, Nghị định 66 năm 2020 và Thông tư 20 của Bộ Công Thương năm 2020”. Điều này đã tạo được hành lang pháp lý thống nhất, ban hành các cơ chế ưu đãi trong đầu tư phát triển CCN, bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cũng như đầu tư thứ cấp vào trong các cụm công nghiệp, giải quyết được vấn đề bức thiết, bức xúc đó là môi trường.
“Trong quá trình thực hiện thì chúng ta từng bước đã phát hiện những lỗ hổng và cũng có những kiến nghị để các cấp từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý của mình” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý và phát triển CCN thời gian qua. Cụ thể, một số địa phương chưa quán triệt sâu sắc, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định Đảng và Nhà nước, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, tình trạng phát triển “tùy hứng” khu, CCN thời gian qua chậm được giải quyết.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch khu công nghiệp tại nhiều địa phương chưa thật sự được quan tâm, chất lượng quy hoạch còn hạn chế, rập khuôn. “Công tác đầu tư hạ tầng CCN nhiều nơi còn dựa vào đầu tư công là chủ yếu mà chưa quan tâm thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội”- Bộ trưởng chỉ rõ. Bộ trưởng cho rằng, công tác quản lý CCN nhìn chung còn lỏng lẻo, không rõ về cơ chế của chính quyền địa phương. “Chúng ta cần phải kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chủ trương để Bộ Công Thương có những quy định cụ thể hơn, trao quyền nhiều hơn và trách nhiệm lớn hơn với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong hoạt động công nghiệp, thương mại nói chung, trong hoạt động của các khu, cụm công nghiệp nói riêng”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sau khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, phát triển CCN, trên cơ sở tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:
Một là, các tỉnh, thành phố cần phải tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới, quán triệt và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhất là những cơ chế hiện hành. Đồng thời, chấn chỉnh quản lý theo hướng rõ chủ thể, rõ trách nhiệm đối với các CCN. Thống nhất việc chấm dứt thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, CCN.
Hai là, khẩn trương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên cơ sở chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển ngành, phát huy lợi thế của địa phương; Phải tạo ra các ngành công nghiệp nền tảng để từng bước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu, chế biến chế tạo; Đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Ba là, cần tập trung xây dựng và ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách đủ mạnh và đồng bộ, bảo đảm ổn định để có thể thu hút các nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN.
Bốn là, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Bộ Công Thương sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền và tăng hậu kiểm.
Năm là, tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các CCN, trước hết thông qua Sở Công Thương địa phương và sở ngành, chức năng. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa quản lý nhà nước về ngành với quản lý của chính quyền địa phương.
Bộ trưởng giao Cục Công Thương địa phương tổng hợp các ý tại Hội nghị, hoàn chỉnh báo cáo và lại gửi lại các Sở Công Thương góp ý trước khi Bộ có văn bản chính thức trình Chính phủ.
“Trong thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các kiến nghị để có thể giải quyết một cách nhanh nhất, phù hợp nhất những kiến nghị của địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.