Hướng đi “sáng” trong phát triển kinh tế ở Bắc Kạn

19/05/2023 08:39 Địa phương
Bắc Kạn là một tỉnh thuộc diện khó khăn của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, cả Hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nơi đây đã không ngừng khắc phục khó khăn, tìm ra hướng đi phù hợp nhằm phát huy lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Một trong những hướng đi “sáng” đó là đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.
Hướng đi “sáng” trong phát triển kinh tế ở Bắc Kạn
Một buổi đánh giá sản phẩm OCOP ở Bắc Kạn

Coi trọng phát triển sản phẩm OCOP

Xác định thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một giải pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện tôt nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, Bắc Kạn đã tổ chức triển khai Chương trình OCOP từ năm 2018.

Sau hơn 4 năm thực hiện, Bắc Kạn đã có 155 sản phẩm OCOP; trong đó có 01 sản phẩm OCOP Quốc gia 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 143 sản phẩm 3 sao. Tới nay, 100% sản phẩm OCOP được công nhận có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dùng, đáp ứng các quy định của nhà nước về nhãn hàng hóa đảm bảo lưu thông ngoài thị trường; 17 sản phẩm được cấp giấy xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm; 04 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; 06 sản phẩm chè đạt chứng nhận VietGAP; 03 sản phẩm chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt GACP-WHO; 01 chủ thể được cấp giấy chứng nhận HACCP; 02 chủ thể được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO: 22000; 01 chủ thể đạt chuẩn GMP của Bộ Y tế.

Năm 2023, mục tiêu của Bắc Kạn là phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới (bình quân 3-4 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt 3 sao trở lên; nâng cấp 04 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, đề xuất 01 sản phẩm tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Đồng thời, củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, tổng số sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất là 20 sản phẩm (tăng 09 sản phẩm so với năm 2022); tổng số chủ thể tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP là 18 chủ thể (tăng 7 chủ thể so với năm 2022); tổng số sản phẩm mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu là 27 sản phẩm (tăng 17 sản phẩm so với năm 2022).

Đối với sản phẩm mới: Tổ chức hội nghị cấp huyện, thành phố hoặc đến trực tiếp hướng dẫn các chủ thế kinh tế, các hộ kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm: Về nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; lực lượng lao động có tay nghề; khả năng phát triển sản phẩm OCOP theo yêu cầu của Chương trình (Các huyện, thành phố lưu ý phát triển các sản phẩm đã đăng ký năm 2022 nhưng không tham gia đánh giá phân hạng để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình năm 2023).

Đối với sản phẩm nâng hạng sao, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu… đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận hướng dẫn chủ thể đề xuất nâng hạng sao đối với các sản phẩm có tiềm năng.

Hướng đi “sáng” trong phát triển kinh tế ở Bắc Kạn
Thành viên HTX Yến Dương (Ba Bể, Bắc Kạn) chăm sóc bí hàng hóa

Tín hiệu đáng mừng

Theo Báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, kết quả điều tra, đánh giá sự hiệu quả của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu đáng mừng. Công tác điều tra, rà soát toàn diện trên các mặt doanh thu, thị trường tiêu thụ, nhà xưởng, được thực hiện tại 93 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, có tới 88 chủ thể có doanh thu tăng, chiếm tỷ lệ 94,6%. Trong đó, tăng doanh thu từ 1,1 đến 1,5 lần có 14 chủ thể; tăng từ 1,6 đến 2 lần có 17 chủ thể; tăng từ 2,1 đến 3 lần có 30 chủ thể; tăng từ 3,1 đến 4 lần có 10 chủ thể; tăng từ 4,1 đến 5 lần có 6 chủ thể; tăng trên 5 lần có 11 chủ thể. Một đáng mừng nữa là 100 % sản phẩm OCOP của tỉnh có sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương; số chủ thể mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP là 89/93. Bước đầu hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn, như: Cây mơ vàng huyện Chợ Mới (200 ha), Bí xanh thơm huyện Ba Bể (180 ha), cây dong riềng huyện Na Rì (300 ha), chè shan tuyết huyện Chợ Đồn (340 ha),…

Về xưởng sản xuất, số lượng chủ thể có diện tích nhà xưởng từ 10m2 - 200m2 là 45/93; diện tích nhà xưởng từ 201m2 - 500m2 là 16/93 chủ thể; diện tích nhà xưởng trên 500m2 là 19/93 chủ thể.

Về thị trường tiêu thụ, số lượng chủ thể có 01đến 05 đại lý là 49/93; từ 6-10 đại lý là 31/93 chủ thể; có 10 đại lý trở lên là 9/93 chủ thể.

Về giải quyết việc làm cho người dân địa phương, Số lượng chủ thể giải quyết việc làm cho 1-5 người là 27/93 chủ thể; từ 6-10 người là 28/93 chủ thể; từ 11-20 người là 21/93 chủ thể; trên 20 người là 13/93 chủ thể. Ngoài ra, còn có hàng ngàn hộ dân, người lao động tham gia vào chuỗi sản xuất nguyên liệu cho các HTX, các sản phẩm OCOP của địa phương.

Không chỉ có vậy, Chương trình OCOP đã thay đổi nhận thức của khá nhiều người nông dân, của các chủ thể HTX, DN về sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chỉ là những người lao động sản xuất nhỏ lẻ trên những mảnh đồi, thửa ruộng của gia đình mình, cuộc sống khép kín, ít va chạm. Nhờ việc vào HTX, tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, bản thân tôi và các thành viên, người lao động đã được khai sáng thêm rất nhiều; chúng tôi hiểu được giá trị của khoa học kỹ thuật, giá trị của sản xuất hàng hóa, nhận thức được lợi thế của địa phương và hiểu biết thêm những kiến thức về bán hàng, xây dựng thương hiệu…

Hướng đi “sáng” trong phát triển kinh tế ở Bắc Kạn
Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương bên vườn bí

Cần thêm những giải pháp chiến lược

Để không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế của các sản phẩm OCOP của địa phương, thiết nghĩ, Bắc Kạn cần chú ý thêm một số giải pháp mang tính tầm nhìn, như:

Thứ nhất: Nên chú trọng phát triển theo chiều rộng của các sản phẩm OCOP có tính lợi thế cao, cầu nhiều (Ví dụ như: Miến dong); được như vây, sản lượng, tổng giá trị, số lao động có việc làm sẽ không ngừng tăng lên. Cần định vị rõ thị trường, thị phần của các sản phẩm yếu về lợi thế, cầu chưa cao (như một số sản phẩm đồ uống) để có chiến lược và kế hoạch phát triển các sản phẩm đó.

Thứ hai: Tăng cường việc kết hợp giữa xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại ở thị trường ngoài nước cho các sản phẩm có tính cạnh tranh yếu, cầu trong nước không nhiều (như một số sản phẩm đồ uống mới). Như vậy sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội cho các sản phẩm của địa phương, đồng thời tạo ra cơ hội quảng bá Bắc Kạn với các du khách và nhà đầu tư Quốc tế.

Thứ ba: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và có chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong lĩnh vực số hóa cho các HTX, các doanh nghiệp có các Sản phẩm OCOP. Như vậy, Bắc Kạn sẽ sớm có hạ tầng số tốt, các chủ thể có điều kiện, có kiến thức, có môi trường để phát triển.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động