Hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
56 ngày đêm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.
Tính đến tháng 3/1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm bốn tiểu đoàn, hai đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.
Tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta."
Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" |
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.
Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ như công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ… Và đã có biết bao tấm gương hy sinh trên đường ra trận, nhiều anh hùng quên mình xả thân cho cuộc kháng chiến.
Đầu tháng 3/1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba phân khu. Trên chiến trường, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch ngày 13/3/1954.
Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!".
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc đã, đang và sắp diễn ra tại tỉnh Điện Biên như: Chương trình “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên”, Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Triển lãm ảnh “Điện Biên-Đổi mới và phát triển”, Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh “Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 36, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024…
Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 |
Nổi bật trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là lễ diễu binh, diễu hành tại sân vận động tỉnh Điện Biên vào sáng 7/5 tới. Đây được coi là nội dung cốt lõi, nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên.
Buổi lễ diễu binh, diễu hành sẽ có sự tham gia của lực lượng pháo lễ, lực lượng không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, lực lượng đứng trên sân, tổng cộng hơn 12.000 người. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sau đó là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài. Tiếp đến là phần trình diễn của khối diễu binh (4 khối nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an) và khối diễu hành (9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc), cuối cùng là phần trình diễn của khối nghệ thuật. Chương trình còn tái hiện công phu một phần lịch sử qua hình ảnh những chiếc xe đạp thồ - “binh chủng” đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ...
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của tỉnh Quảng Bình
Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.