Khuyến khích hoạt động đầu tư, nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại

01/04/2020 19:15 Quản lý nguồn thải
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất đưa các sản phẩm tái chế từ hoạt động xử lý chất thải nguy hại (CTNH) vào danh mục sản phẩm được ưu đãi về thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động đầu tư, nâng cấp các cơ sở xử lý CTNH, đáp ứng nhu cầu xử lý CTNH ngày càng tăng tại Việt Nam.
Điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại Tăng cường công tác quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại

Các vấn đề về môi trường như: ô nhiễm không khí, khói bụi, rác thải, nước thải; đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị chưa quan tâm, thiếu sự đầu tư cho việc xử lý chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phải có giải pháp cụ thể, chế tài cứng rắn, kiên quyết ra sao? có cơ chế và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường như thế nào?

khuyen khich hoat dong dau tu nang cap cac co so xu ly chat thai nguy hai

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất đưa các sản phẩm tái chế từ hoạt động xử lý chất thải nguy hại vào danh mục sản phẩm được ưu đãi về thuế xuất khẩu.

Đó là nội dung kiến nghị của cử tri Hải Phòng gửi Quốc hội và cũng là nỗi niềm của nhiều người dân đang bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường tại một số nơi, một số địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Đối với kiến nghị xử lý chất thải độc hại: Hiện nay, hầu hết các chủ nguồn thải có phát sinh lượng CTNH lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Lượng CTNH phát sinh từ các chủ nguồn thải này đều đã được thu gom và đưa đến các cơ sở đã cấp phép để xử lý. Một phần lượng CTNH phát sinh từ các nguồn thải khác được xử lý bởi chính các chủ nguồn thải (bằng các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở), hoặc được xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý, tái chế. Một số CTNH đặc thù (ví dụ như chất thải có chứa PCB) do chưa có công nghệ xử lý phù hợp thì hiện đang được lưu giữ tại nơi phát sinh. Hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam) được cấp phép xử lý chất thải có chứa PCB. Ngoài ra, đối với lượng CTNH phát sinh tại các chủ nguồn thải nhỏ hoặc tại các vùng sâu, vùng xa chỉ một phần được thu gom, xử lý; số còn lại được lưu giữ tại chỗ, một phần được các cơ sở xử lý, tái chế không phép (chủ yếu tại các làng nghề) thu gom, tái chế chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường hoặc thậm chí bị đổ lẫn vào chất thải sinh hoạt và chôn lấp chung tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt.

Thực tế, trong thời gian qua các đơn vị xử lý CTNH đã được ưu tiên theo quy định tại Nghị định 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường (trước đây), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất đưa các sản phẩm tái chế từ hoạt động xử lý CTNH vào danh mục sản phẩm được ưu đãi về thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động đầu tư, nâng cấp các cơ sở xử lý CTNH, đáp ứng nhu cầu xử lý CTNH ngày càng tăng tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó có nội dung quản lý CTNH nhằm ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cơ bản về công tác quản lý CTNH để từng bước giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đối với kiến nghị có cơ chế và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn với nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Thuý Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động