Kích giun sẽ gây “thảm họa” về môi trường
Gần đây, nạn kích giun đất để sấy khô và bán đang rộ lên. Việc bắt giun đất trở nên dễ dàng khi có thể mua loại thiết bị trên mạng, với giá chỉ từ 500.000 đồng. Các loại máy này đều được nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng lớn, rao bán online, trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, loại thiết bị này được rao bán với các mức giá khác nhau, từ loại đơn giản, rẻ tiền cho đến hiện đại, công suất cao, xung điện phủ diện tích lớn, còn có những clip hướng dẫn cách thức sử dụng chi tiết trên YouTube..
Dù đây là mặt hàng không được cấp phép kinh doanh, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, tuy nhiên lợi dụng những kẽ hở của pháp luật trên các ứng dụng thương mại điện tử, mỗi ngày hàng trăm chiếc máy kích giun vẫn qua đường bưu điện gửi đi khắp nơi để tận diệt giun đất. Tình trạng này khiến nông dân nhiều địa phương điêu đứng, thậm chí phải viết đơn thư cầu cứu cơ quan công an.
Được biết, giá thu mua để bán sang Trung Quốc hiện nay là 40.000 - 60.000 đồng/kg giun tươi và từ 700.000 – 900.000 đồng/kg giun khô.
![]() |
máy kích giun |
Là sinh vật chỉ thị cho các vùng đất màu mỡ, giun đất được ví như người thợ cày cần mẫn và đóng vai trò quan trọng trong chu chuyển của vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Khi ta thấy sự hiện diện của giun trong đất, đó là dấu hiệu cho thấy đất canh tác sạch, khỏe và phì nhiêu. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 - 500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt.
![]() |
Giun đất là dấu hiệu của những vùng đất màu mỡ. |
Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm,… Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng. Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon.
Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô … nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Góp phần chuyển đổi môi trường đất chua, kiềm hoặc mặn về môi trường trung tính, cân bằng độ pH đất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Với việc nghiền nát chất hữu cơ, và việc tăng độ tơi xốp và gắn kết của đất, giun đất có thể tăng đáng kể khả năng giữ nước của đất. Khi giun di chuyển và đào hang sẽ tạo thành những khe hở trong đất, làm đất được tươi xốp, thoáng, không bị ứ nước, không khí trong đất được lưu thông hỗ trợ cây trồng tiếp nhận oxi và quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi.
Khi giun chết, xác chúng phân hủy và tạo ra lượng Nitơ cho đất hấp thụ. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất. Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng, vì khi chúng ăn lá cây sẽ đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.
Trong phân của giun (đầu ra) có nhiều vi sinh vật hơn trong chất hữu cơ mà chúng ăn (đầu vào). Khi chất hữu cơ đi qua hệ tiêu hóa của chúng, nó được nghiền ra và được trộn với các vi sinh vật. Hoạt động của vi sinh vật gia tăng giúp đẩy mạnh việc tái tạo dinh dưỡng từ chất hữu cơ và sự chuyển đổi của chúng sang các dạng cây trồng có thể hấp thụ ngay.
Nhờ khả năng di chuyển được trong đất nên đất được thoáng khí. Từ đó, những vi sinh trong đất sẽ phát triển mạnh và tạo cho đất một môi trường tương tác sinh học cao qua đó tiết chế được tác động xấu từ sâu bệnh hại sinh sống trong đất gây nên.
Tầm quan trọng của giun đất trong hệ sinh thái nông nghiệp thì ai cũng biết nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người dân ngày ngày vẫn mang máy kích điện đi để bắt giun. Hành động “tận diệt” giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm giảm chất lượng đất đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Cũng giống như việc thu gom đỉa, móng trâu, rễ hồi… ở nhiều địa phương trước đây, chẳng ai biết khi nào những thương lái nước ngoài sẽ bất ngờ bặt vô âm tín, bỏ lại người dân với hàng tấn giun khô. Tuy nhiên, vì hám lợi trước mắt, mỗi ngày những luồng điện cao thế vẫn liên tục phóng xuống đất, tàn sát nốt những con giun cuối cùng còn sót lại. Với tình trạng kích giun tràn lan như hiện nay, chẳng ai nói trước được khi nào những thửa đất sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác.
Tin khác

Huyện Đức Trọng (Lâm Đồng): Trang trại chăn nuôi heo Vạn Hưng Phát xả thải ra môi trường, tác động đến cộng đồng dân cư

Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tác động đến môi trường và cộng đồng dân cư

Bài 3: Huyện Ia Pa (Gia Lai), cần làm rõ việc không thể lấy mẫu nước thải phát sinh từ trang trại chăn nuôi heo Nhất Trần

Bài 2: Huyện Ia Pa (Gia Lai), nhiều khó khăn, bất cập trong xử lý ô nhiễm tại các trại chăn nuôi heo công nghệ cao
