Lan tỏa nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống Hội An

03/06/2024 07:38 Văn hóa
Từ xưa, ở Hội An, các nghề và làng nghề truyền thống đã hình thành, nhờ được duy trì và phát triển mà cho đến ngày nay đã trở thành điểm sáng nổi bật, là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của Hội An.

Tinh hoa nghề truyền thống Hội An được tích hợp qua hàng trăm năm, cộng thêm quá trình dung nạp có chọn lọc và sự sáng tạo không ngừng của người dân nơi đây đã tạo nên những sắc thái văn hóa làng nghề riêng biệt.

Hội An, nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công, truyền thống từ lâu đời.
Hội An, nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công, truyền thống từ lâu đời.

Bằng ý chí sinh tồn, sự cần cù chịu khó và sức sáng tạo mãnh liệt, đến nay Hội An đã và đang bảo tồn hơn 50 nghề thủ công truyền thống. Trong đó, nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề làm đèn lồng, may mặc, thêu thủ công,…

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, trong lịch sử hình thành và phát triển của Đô thị thương cảng Hội An từ xưa đến nay, nghề và làng nghề thủ công luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Đó là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo, năng động của các thế hệ cư dân kế tục nhau cư trú trên mảnh đất Hội An, có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây.

Sự có mặt nhộn nhịp của các nghề và làng nghề truyền thống ở Hội An trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, đến các nghề thủ công, nghề buôn bán, dịch vụ,… đã góp phần tạo nên sự phát triển phồn thịnh cho đô thị thương cảng Hội An.

“Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và phát triển của xã hội, nhiều nghề và làng nghề truyền thống ở Hội An vẫn tiếp tục được thành phố quan tâm bảo tồn và phát triển một cách sáng tạo, thích ứng trong điều kiện mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho hay.

Các sản phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa, gốc cây hay từ các vật liệu tái chế từ rác thải… được thành hình qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo bền bỉ của con người Hội An.
Các sản phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa, gốc cây hay từ các vật liệu tái chế từ rác thải… được thành hình qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo bền bỉ của con người Hội An.

Với mục tiêu giới thiệu nét đẹp văn hóa các nghề, làng nghề truyền thống của Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tôn vinh những sáng tạo của người thợ thủ công; góp phần khơi gợi ý tưởng sáng tạo trong cộng đồng, kết nối các làng nghề; thực hiện tốt những cam kết của thành phố sáng tạo mà thành phố Hội An đã đăng ký với UNESCO; đẩy mạnh, lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo. Đồng thời, phát huy hiệu quả công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thành phố Hội An đã tổ chức chuỗi sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An lần thứ III” và “Phiên chợ Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh Hội An” từ ngày 31/5 đến 02/6 tại Trung tâm làng nghề Kim Bồng và các làng nghề, không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Khai mạc chuỗi sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An lần thứ III” và “Phiên chợ Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh Hội An 2024”.
Khai mạc chuỗi sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An lần thứ III” và “Phiên chợ Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh Hội An 2024”.

Trải qua 3 ngày diễn ra sự kiện với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như: Tọa đàm “Hội An - Làng nghề lên số”, khai trương Hoạt động Hướng dẫn tham quan làng mộc Kim Bồng; triển lãm ảnh với chủ đề “Hội An - Thành phố sáng tạo”, giới thiệu - trình nghề truyền thống Chuốt gốm Thanh Hà; điêu khắc mộc Kim Bồng; làm đèn lồng; làm đầu Lân, Thiên cẩu và mặt nạ ông Địa; làm tranh, tre, dừa Cẩm Thanh; đan lưới và trang trí ngư cụ;…

Qua đó, giúp tăng cường sự giao lưu, kết nối chuyên gia sáng tạo với sự tham gia của các họa sĩ, nghệ nhân trong thiết kế sản phẩm handmade, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, trưng bày các sản phẩm tái chế của Xóm thủ công Hội An, giới thiệu Bộ sưu tập mắt cửa của Nhà sưu tầm Bảo Ly… đã mang đến không gian hội tụ văn hóa và sáng tạo độc đáo để nhân dân và du khách khám phá và tiếp cận sâu hơn với văn hóa Việt nói chung và Hội An nói riêng.

Cũng trong sự kiện lần này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An chính thức khai trương hoạt động Hướng dẫn tham quan Làng mộc Kim Bồng.
Cũng trong sự kiện lần này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An chính thức khai trương hoạt động Hướng dẫn tham quan Làng mộc Kim Bồng.

Theo bà Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung Tâm VHTT&TTTH TP. Hội An, với bề dày về lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân bản địa thuần hậu, nghĩa tình, làng mộc Kim Bồng hứa hẹn sẽ là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách trong hành trình khám phá Hội An. Đây cũng là dịp để thành phố Hội An tôn vinh những thành tựu, xây dựng và phát triển làng nghề trở thành một điểm đến du lịch văn hóa nổi bật của thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Làng mộc Kim Bồng đến nay đã hơn 500 năm tuổi. Tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng mộc Kim Bồng đến nay đã hơn 500 năm tuổi. Tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bên cạnh sự kiện Nét hoa Nghề Hội An, Phiên chợ Khởi nghiệp - Tiêu dùng xanh Hội An 2024 cũng đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ và tái chế… nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm hàng hoá Việt Nam.

Các bạn trẻ say mê trải nghiệm hoạt động chạm khắc mộc tại các làng nghề ở Hội An.
Các bạn trẻ say mê trải nghiệm hoạt động chạm khắc mộc tại các làng nghề ở Hội An.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, trước mắt sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, điều hành; trong tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm, du lịch, dịch vụ tại Làng mộc; trong chia sẻ lợi ích cho cộng đồng cư dân,… nhưng đây cũng là khởi đầu mới với niềm tin và hi vọng về một tương lai khởi sắc, thịnh vượng cho địa phương; phấn đấu cùng thành phố hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa - con người, hòa nhập vào thế giới nhưng không hòa tan các giá trị làng nghề, bắt kịp xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ mới.

Được biết, Vào tháng 10/2023, thành phố Hội An vinh dự được gia nhập vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Nguyễn Nhàn - Nguyễn Điềm
Xin chờ trong giây lát...

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giải quyết "điểm nghẽn" trong ô nhiễm môi trường

Phiên bản di động