Lời giải nào cho bài toán đốt rơm rạ gây ô nhiễm?

03/10/2019 16:24 Tác động môi trường
Khoảng từ tháng 9 đến tháng 10 hằng năm, không khí tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt khu vực đồng bằng lại trở nên ngột ngạt, ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là do việc đốt rơm rạ bừa bãi sau vụ thu hoạch lúa mùa gây ra.
Xử lý ô nhiễm không khí: Cần giảm thiểu nguồn phát thải
loi giai nao cho bai toan dot rom ra gay o nhiem
Các nhà khoa học cho rằng, các đợt ô nhiễm này là do hiện tượng nghịch nhiệt và tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch lúa gây ra.

Một trong các địa phương ở vùng trung tâm hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài phải kể đến Thủ đô Hà Nội, nhiều điểm đo quan trắc ô nhiễm vượt ngưỡng đỏ lên tới ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200) là ngưỡng có hại cho sức khỏe. Tình trạng trên kéo dài cả chục ngày.

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các khu vực nêu trên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học cho rằng, các đợt ô nhiễm này là do hiện tượng nghịch nhiệt và tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch lúa gây ra.

Ước tính, hiện ở nước ta hàng năm phát sinh khoảng 20 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch. Mặc dù được coi là tài nguyên tái tạo và hàng hóa kinh tế, song từ nhiều năm nay, chúng bị đốt bỏ ở ngoài ruộng do không còn nhu cầu dùng cho đun nấu như trước.

Hậu quả là diện tích rơm rạ bị đốt cháy trên diện tích lớn ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, gây hiệu ứng khí nhà kính làm cho trái đất nóng lên, tro bụi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người...

Cụ thể là khi đốt rơm rạ sẽ phát thải khí nhà kính gồm 0,7 - 4,1 g CH4 và 0,19 - 0,057 g N2O/kg rơm khô và phát thải các chất khí gây ô nhiễm khác như SO2, NOx, HCl và ở một mức độ nào đó còn phát sinh dioxin và furan. Đốt rơm cũng là một nguồn quan trọng sinh ra hạt sol khí như hạt bụi thô (PM10) và hạt mịn (PM2.5), ảnh hưởng đến chất lượng không khí khu vực và bức xạ của trái đất.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Trung Dũng - Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã chỉ ra rằng, có 7 cách để biến rơm rạ thành tiền thay vì đốt bỏ, như bán rơm sau khi được cuộn tròn để dễ vận chuyển, làm phân, trồng nấm, chăn nuôi, sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và Ethanol. Như vậy, chính sách hay thị trường phải tạo cho rơm rạ có giá nào đó để thị trường hoạt động.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì trong quản lý rơm rạ có liên quan đến 3 đối tượng chính là nhà nước, nông hộ và bên có nhu cầu sử dụng rơm rạ. Nhà nước với vai trò ban hành và thực thi cơ sở chính sách - pháp lý đối với nông hộ và cơ sở tiêu thụ rơm rạ. Trong đó có sử dụng bộ công cụ trực tiếp, công cụ gián tiếp và công cụ kinh tế môi trường, ban hành những văn bản chính sách từ cấp trung ương cho đến địa phương cho công tác quản lý nguồn rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, thắt chặt để giảm bớt hoặc từ bỏ việc đốt rơm rạ, còn các doanh nghiệp tạo dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ rơm rạ.

Ở Việt Nam, để làm được việc này thì nên khuyến khích những lĩnh vực có tiêu dùng rơm rạ chính như dùng để ủ phân. Ngoài ra còn sử dụng trồng nấm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất bột giấy; làm vật liệu đóng gói; sản xuất nhựa sinh học; đồ dùng một lần (bát đĩa dùng một lần mà hiện nay làm từ giấy và vật liệu nhân tạo)...

Trước mắt, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ sản xuất hàng loạt những máy cuộn rơm với chi phí hợp lý, phù hợp với đồng ruộng của Việt Nam, vừa loại bỏ được một trong những nguồn gây nên tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động