Long An: Ngành Công Thương hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

12/05/2023 19:21 Tăng trưởng xanh
Tỉnh Long An đã có nhiều bước chuyển tích cực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Góp phần trong thành công đó không thể không kể đến những nỗ lực hành động của ngành Công Thương tỉnh Long An.
Long An: Ngành Công Thương hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
Ứng phó với biến đổi khi hậu cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các Bộ, Ban, ngành, địa phương trên cả nước

Ngành Công Thương Long An xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 13/3/2023 Sở Công Thương Long An đã ban hành Kế hoạch hành động số 659/KH-SCT về việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành và hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan.

Mục tiêu của Kế hoạch là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số 2 và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, giảm thiệt hại tối đa do tác động của biến đổi khí hậu đến công trình, cơ sở hạ tầng ngành Công Thương, đặc biệt là cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại và các công trình trọng yếu đảm bảo ổn định đời sống, kinh tế - xã hội trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và rủi ro thiên tai.

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đặt ra 03 nhiệm vụ chính: Thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm phát thải nhà kính và Tăng trưởng xanh.

Đối với nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu

- Kịp thời rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Tăng cường nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các cơ sở, công trình năng lượng, công nghiệp, thương mại; Cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng nguyên liệu trong điều kiện biến đổi khí hậu, đa dạng hoá nguồn cung cấp, nguồn thay thế cho các nguyên vật liệu của các ngành sản xuất nhạy cảm với khí hậu;

- Nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đối với nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính

- Triển khai đến các doanh nghiệp và đơn vị có liên quan về các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, không khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng, phát thải khí nhà kính lớn, giá trị gia tăng thấp;

- Thực hiện các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính: phối hợp với VụTiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (VTKNL) và đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về kiểm kê, quy định về MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính) đối với các hoạt động phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn;

- Hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong thương mại, dịch vụ và dân cư: triển khai, phổ biến cơ sở dữ liệu về công nghệ phát thải các-bon thấp cho các ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn, cường độ phát thải khí nhà kính cao như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, thép, hóa chất, nhựa, dệt may, da giày, giấy...; hỗ trợ kết nối nhu cầu đầu tư công nghệ giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp;

- Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, nâng cao nhận thức về thị trường các-bon trong cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng sổ tay, hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Đối với nhiệm vụ tăng trưởng xanh

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý phát thải khí nhà kính tại các cơ sở trong phạm vi quản lý của địa phương;

- Phối hợp với VụTiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trong việc quản lý, vận hành hệ thống MRV giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh đối với các cơ sở và của ngành Công Thương;

- Thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án phát triển năng lượng theo hướng phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh tại địa phương;

- Tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng thương mại, kênh phân phối hàng hóa, các trung tâm siêu thị, thương mại thúc đẩy thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát thải các-bon thấp tại địa phương.

Các giải pháp thiết thực và các hành động cụ thể của ngành Công Thương sẽ là động lực to lớn trong thực hiện những cam kết Quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu và đưa phát thải ròng về “0” góp phần tích cực đưa tỉnh trở thành điểm thu hút các nguồn đấu tư tiềm năng tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh và khu vực./.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động