Môi trường pháp lý bảo vệ nguồn nước

02/03/2020 13:00 Chính sách - Pháp luật
Xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia, những năm gần đây các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ an ninh nguồn nước
moi truong phap ly bao ve nguon nuoc
Việc bảo vệ tài nguyên nước đã được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản pháp luật.

Nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia. Xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia, những năm gần đây các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước của Việt Nam cũng được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việc bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nước dùng cho sinh hoạt, đã được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Luật Tài nguyên nước cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành hay đang trong quá trình soạn thảo đều có những quy định nhằm bảo vệ các dòng sông một cách khá toàn diện và quy định khá đầy đủ, rõ ràng về quy trình, trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên nước nhất là tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt. Cụ thể là, quản lý tài nguyên nước trên nguyên tắc tổng hợp, thống nhất giữa chất lượng và số lượng; bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải lấy phòng ngừa là chính, bảo vệ chất lượng nước và các hệ sinh thái thủy sinh, hạn chế khắc phục ô nhiễm nguồn nước.

Pháp luật quy định nghiêm ngặt về khu vực lấy nước sinh hoạt, xác định riêng khu vực lấy nước để sản xuất nước sinh hoạt là “vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt” – là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Các hành vi nghiêm cấm để bảo vệ nước sinh hoạt là: xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước;

Tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thực hiện các biện pháp sau đây: Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác; Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác; Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Điều tra, hiện trạng xả nước thải, khí thải, chất thải vào nguồn nước; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm; xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo diễn biến bất thường về chất lượng nguồn nước là những hoạt động của điều tra cơ bản tài nguyên nước để thực hiện các nội dung về đánh giá tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước biển.

Bảo vệ tài nguyên nước là một trong những thành phần của quy hoạch tài nguyên nước, bao gồm việc xác định các khu vực bị ô nhiễm; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; xác định phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm để bảo đảm chức năng của nguồn nước; xác định hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước.

Các nguồn nước phải được thiết lập hành lang để bảo vệ, theo đó, trong hành lang bảo vệ nguồn nước không được xây mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại. Đối với cơ sở đang hoạt động thì phải có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải, chất thải trước khi thải ra đất, nguồn nước; cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp để khắc phục; trường hợp không khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời theo quy định của pháp luật. Quy định này cũng đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí tập trung, tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước; trường hợp sử dụng hóa chất độc hại thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn, không được để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước phải xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra; đồng thời buộc các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc chấp hành xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài và bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Hoạt động xả nước thải của các tổ chức, cá nhân được quản lý chặt chẽ, thông qua việc cấp giấy phép xả nước thải, trừ trường hợp xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước.

Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không được gây sạt, lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Đồng thời, quy định đối với những dòng sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nguyên nhân gây sạt, lở, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác.

Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng mức độ ô nhiễm đang dần được cải thiện như sông Cầu tại tỉnh Thái Nguyên, sông Thị Vải tại tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%. Do đó, bảo vệ nguồn nước sạch không phải việc riêng của một cá nhân, tổ chức hay đoàn thể nào mà là của chung xã hội, bảo vệ và cải thiện nguồn nước sạch vì chính sức khoẻ, sự phát triển và tồn tại của chúng ta.
Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động