Nâng cao thế chủ động trước thiên tai bảo vệ đời sống người dân
Nâng cao thế chủ động
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại sự cố, thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngay từ đầu năm 2021, Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) đã phối hợp tham mưu cấp trên xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai năm 2021 như: Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch và Chương trình thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 05/4/2021 của UBND Thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố…
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ - Phòng chống thiên tai huyện Mỹ Đức (Hà Nội) diễn tập trên sông Đáy nâng cao khả năng ứng phó trước các tình huống thiên tai. |
Cùng với đó, Chi cục đã phối hợp thực hiện các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021 của Thành phố đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra như: Phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai; phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố thiên tai; phương án phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2021; phương án ứng phó với một số tình huống phòng, chống thiên tai, úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gẫy, đổ và đảm bảo chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch mùa mưa bão…
Đối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, Chi cục đã tham mưu cấp trên thường xuyên phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện công tác PCTT&TKCN. Theo kết quả tổng hợp từ các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biển đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố từ đầu năm 2021 đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, các tình huống thiên tai xảy ra đều trong tầm kiểm soát và có phương án thích ứng kịp thời theo từng cấp độ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chi cục đã tham mưu triển khai 04 đoàn kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại các quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân và Long Biên; đối với 26 quận, huyện, thị xã còn lại, đã tham mưu văn bản chỉ đạo chủ động triển khai công tác PCTT&TKCN báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố.
Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn 30 quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai, phương án sơ tán đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động việc vừa ứng phó với thiên tai và chống dịch, đảm bảo an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, cách ly.
Trong công tác tập huấn, tuyên truyền, Chi cục đã triển khai tổ chức và tham gia nhiều hội nghị trực tuyến về công tác PCTT &TKCN năm 2021; hướng dẫn 30/30 quận, huyện, thị xã và trực tiếp tham gia các buổi tập huấn trực tuyến của Trung ương, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các tài liệu có liên quan về công tác PCTT trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tổ chức thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức góp phần phổ biến hiệu quả từ cấp thành phố đến cơ sở về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai; triển khai kế hoạch hưởng ứng ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5), ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10)…
Với vai trò Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố Hà Nội, mỗi khi xảy ra tình huống thiên tai, Chi cục đã tham mưu cấp trên thường xuyên, kịp thời kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai; tham mưu chỉ đạo huy động vật tư, lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời trong công tác PCTT&TKCN. Tham mưu ban hành 05 công điện ứng phó với thiên tai, nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện thị xã, các sở, ban, ngành, đơn vị chủ động rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án PCTT, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập úng; đồng thời lồng ghép, thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi khi xảy ra các sự cố lún sụt, sạt lở công trình đê điều, thủy lợi, bờ bãi sông trên địa bàn, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai sự cố, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý sự cố giờ đầu; đồng thời tham mưu cấp trên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá mức độ các sự cố, chỉ đạo xử lý khắc phục trong thời gian sớm nhất. Với các sự cố sạt lở đê điều nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm, Chi cục đã kịp thời tham mưu cấp trên công bố tình trạng khẩn cấp, phối hợp đề xuất các biện pháp xử lý giờ đầu, các phương án kỹ thuật xử lý cấp bách, kịp thời khắc phục, đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương nên công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố trong năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của nhân dân; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tập trung năng lực bảo vệ đời sống người dân
Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lòng dẫn hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội có xu hướng bị hạ thấp. Đặc biệt khi các nhà máy thủy điện vùng thượng nguồn xả lũ, những khu vực, những đoạn dòng chủ lưu áp sát bờ sông, tuyến kè thường mất ổn định gây ra tình trạng sạt, trượt bờ kè, bờ sông.
Có những thời điểm xuất hiện nhiều trận mưa cường độ lớn, do lũ rừng ngang lên vùng hữu Tích, hữu Bùi thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạnh Thất, Phúc Thọ (khu vực phân lũ trước đây) đã xuất hiện lũ lớn, lũ lên nhanh, mực nước lũ lớn hơn mực nước thiết kế chống lũ của các tuyến đê bao, đê bối, gây tràn đê, đã xảy ra hàng loạt sự số về đê điều; đồng thời các tuyến đê được đắp, củng cố qua nhiều thời kỳ, một số tuyến trong đó có một số tuyến đê cấp 4, cấp 5 mặt đê nhỏ, mái không đủ thiết kế, thân đê còn yếu lại ngâm nước lũ nhiều ngày dễ dẫn đến các sự cố sạt trượt. Việc trên đe dọa đến an toàn chống lũ của các tuyến đê, an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân sống ven đê, ven sông…Trước tình hình đó, Chi cục đã tham mưu cấp trên cho xử lý cấp bách nhằm đảm bảo an toàn chống lũ cho tuyến đê, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cụ thể: Năm 2017 có 17 sự cố, chiều dài xử lý 6.060m; năm 2018 có 18 sự cố, chiều dài xử lý 10.316m; năm 2019 có 41 sự cố, chiều dài xử lý 23.001m; năm 2020 có 09 sự cố, chiều dài xử lý 4.258m; năm 2021 có 17 sự cố, chiều dài xử lý 11.599m...với tổng kinh phí lên hàng tỷ đồng.
Những năm qua Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội đã tham mưu cấp trên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, không ngừng nâng cao thế chủ động ứng phó trước các diễn biến của thiên tai. |
Về việc di dời các khu vực dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, lũ lụt, xói lở bờ sông hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, qua điều tra, rà soát của đơn vị tư vấn đã xác định cụ thể: Các khu vực dân cư ở phân tán cần phải di dời là 750 hộ; các khu dân cư cần di dời để đảm bảo an toàn khi có lũ lớn gồm 9 khu có 2.176 hộ tại các khu vực cầu Thăng Long, cầu Long Biên,, khu vực Bát Tràng, Cửa Đuống, cầu Đuống…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Du, Chi Cục trưởng Chi cục phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp trên trong công tác phòng, chống thiên tai. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện, vật chất đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành đã tổ chức, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố đi kèm với dịch bệnh COVID – 19 đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế xã hội cũng như công tác PCTT&TKCN. Một số quận, huyện, xã, phường và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan do đó xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, sự cố chưa cụ thể, chưa sát thực tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ PCTT&TKCN còn thiếu thốn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng làm công tác tham mưu các cấp chưa thực sự chuyên nghiệp...
Về phương hướng trong những năm tiếp theo, Chi cục Phòng, chống thiên tai sẽ tiếp tục tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều,… và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong công tác PCTT&TKCN; rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của các cấp, các ngành; đặc biệt chú ý tới các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra trong khi tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT&TKCN bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nhằm thích ứng hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra./.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.