Nghề báo, nghề cao quý

22/06/2022 00:00 Văn hóa
Nghề báo là nghề phải đối mặt với biết bao khó khăn, nhọc nhằn, nguy hiểm song những ai đã trót mang trong mình nghiệp làm báo đều có điểm chung là luôn sẵn sàng “dấn thân” với nghề, và họ luôn có những kỷ niệm vui buồn, những khám phá, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc…

Nếu có người hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình, tôi sẽ chẳng do dự mà nghĩ ngay đến những chuyến đi, dù là đi làm việc trong ngày hay những chuyến công tác dài ngày trên xe tự mình lái... đều mang đến cho người làm báo như tôi thật nhiều trải nghiệm thú vị.

Mỗi dịp tháng 6 về, trong tôi luôn bồi hồi cảm xúc vì những tri ân mà độc giả, bạn bè gửi gắm, tôi coi đó là động lực mạnh mẽ để "nghiệp báo" trong tôi phải nỗ lực hơn nữa trong công việc, hoàn thành nhiệm vụ cơ quan phân công, song cũng là lời nhắc nhở để mỗi nhà báo, phóng viên thẳng thắn nhìn rõ những góc khuất của nghề, đấu tranh và vững lòng hơn trước những cám dỗ, hư vinh, sống xứng đáng với nghề cao quý mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người.

Tôi còn nhớ năm 2013, sau những năm tháng miệt mài với đam mê với “chức danh” cộng tác viên của nhiều tờ báo, tôi đã chính thức bén duyên nghề báo khi có những bài viết đầu tiên cho một tờ báo "Đảng", đến năm 2016 tôi chính thức được ký hợp đồng và trở thành phóng viên của tờ báo này. Năm 2019, tôi chuyển hướng về làm việc tại Tạp chí Công nghiệp môi trường thuộc Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (Bộ Công Thương), đây là nơi chứa đựng nhiệt huyết của của tôi và bao phóng viên trẻ, năng động với lòng say nghề cùng biết bao cung bậc cảm xúc gửi gắm qua mỗi tác phẩm báo chí đậm màu sắc chuyên ngành Công nghiệp môi trường.

Mặc dù đã từng được đào tạo bài bản chuyên ngành báo chí, và tính lũy được một chút kinh nghiệm làm báo, nhưng có thể nói về Công nghiệp môi trường tôi chỉ mới là người học việc với lĩnh vực mới, kiến thức mới, cách viết mới và quy cách xây dựng tác phẩm cũng đặc thù hơn các thể loại báo chí thông thường, phải mất gần nửa năm tôi mới bắt nhịp được công việc ở nơi đây.

Từ những bước chân chập chững bước vào lĩnh vực báo chí mới cho đến nay, với hàng trăm chuyến đi trên khắp nẻo đường quê hương, đất nước, mỗi nơi tôi đến đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, những dấu ấn đáng nhớ giúp tôi ngày càng vững tin, cống hiến cho nghề, cho tờ báo mà mình đã chọn. Cũng như các đồng nghiệp, tôi đã cố gắng vượt lên những khó khăn, thậm chí hiểm nguy trên từng nẻo đường tác nghiệp, rồi không ngừng miệt mài với từng con chữ, từng sự kiện, từng chi tiết về các lĩnh vực chuyên ngành để sản xuất ra những bài viết, những đứa con tinh thần đậm màu sắc chuyên ngành khoa học. Với tôi, làm báo không đơn giản chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với mỗi con chữ được viết ra, và cao hơn là cái tâm của người cầm bút.

Làm báo vốn là công việc rất vất vả, làm về lĩnh vực chuyên ngành lại còn khó hơn, do đó mỗi phóng viên như chúng tôi luôn phải tự học, tự bổ sung các kiến thức về lĩnh vực phụ trách rồi canh cánh chọn đề tài, đêm về có khi thức đến sáng đánh vật với từng con chữ, câu văn sao cho gẫy góc, chuyên nghiệp, truyền đạt hàm lượng thông tin chuyên sâu để cho ra đời được những tác phẩm ưng ý, đáng đọc.

Nghề báo, nghề cao quý
Tạp chí Công nghiệp môi trường tổ chức kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Hình như trong mỗi người, những kỷ niệm đầu tiên thường đằm sâu trong tâm trí, với lớp phóng viên thế hệ 8X chúng tôi, khi ra nhập ngôi nhà chung này ít nhiều đều ảnh hưởng, nói đúng là được thừa hưởng nghiệp vụ làm báo chuyên ngành của những đồng nghiệp có tâm, có tầm, đi lên từ “ong thợ” trong đó có người lãnh đạo đáng trân quý - Nhà báo Nguyễn Duy Thái (sinh năm 1982), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Tổng Biên tập Tạp chí; anh cũng là một trong những người đặt nền móng khai sinh ra Tạp chí Công nghiệp môi trường hôm nay. Với tôi, anh Thái không chỉ một người lãnh đạo tài ba, thể hiện khí khái xuất chúng, mà là một người anh, người đồng nghiệp đi trước luôn sẵn sàng ân cần giúp đỡ, dìu dắt thế hệ phóng viên vào sau như chúng tôi. Minh chứng sinh động là rất nhiều lớp phóng viên khi mới về cơ quan, ai cũng được “sếp” quán triệt phải học thêm kiến thức về chuyên ngành Công nghiệp môi trường, kiến thức làm báo một cách bài bản, bổ sung kiến thức pháp luật liên quan; với những công việc ở cơ quan chưa có điều gì “qua mặt” được “sếp” bởi Tổng Biên tập Nguyễn Duy Thái cũng là một trong số những người lãnh đạo trưởng thành từ “lính”.

Trải qua một số năm công tác và gắn bó với Nhà báo Nguyễn Duy Thái, bản thân tôi nhận thấy ông là người ngay thẳng, nóng tính nhưng rất thật và hết sức chân thành. Những người mới tiếp xúc hoặc thiếu tinh tế thì rất khó để nhận ra điều này. Là lớp đi sau trong lĩnh vực Công nghiệp môi trường, chúng tôi cảm thấy may mắn được Tổng Biên tập thường xuyên đích thân rèn giũa, sửa bài rồi gợi mở đề tài, thậm chí tranh luận để công việc tốt hơn lúc ở cơ quan. Tôi và nhiều anh em phóng viên cơ quan cũng cảm nhận, nhà báo Nguyễn Duy Thái yêu đến mức say nghề báo, anh thường thăng hoa hơn mỗi khi trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp về mảng đề tài mà mình quan tâm, nhưng nếu là phóng viên mới, ít kinh nghiệm thường sợ thậm chí phát hoảng trước tính cách như “hổ lửa” của anh. Cũng có không ít phóng viên “nhanh nhạy” tận dụng những ý tưởng từ gợi ý của lãnh đạo để có được những đề tài, những tác phẩm hay có hiệu ứng xã hội.

Tôi đang “sống chậm” một chút để suy nghĩ sâu hơn, hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết về nghề báo với chuyên ngành Công nghiệp môi trường; Nghề báo cũng như nhiều nghề nghiệp khác, là đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội và được trả công xứng đáng. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp, nghề báo dường như được ưu ái hơn để đôi khi được vinh danh là một nghề cao quý.

Có lẽ chỉ những người trong nghề hoặc đã tham gia với trách nhiệm của nghề mới thấy nỗi vất vả của phóng viên, nhà báo. Trước mỗi chuyến đi, phóng viên, nhà báo đều có những suy tính, dự định nhưng nhiều khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi phóng viên, nhà báo đã hẹn trước cơ quan, đơn vị, cơ sở, nhưng khi đến nơi vì nhiều lý do khác nhau nào là bận việc đột xuất, có trường hợp viện đủ lý do để không tiếp nhà báo, phóng viên… không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải làm lại, hoặc chuyển địa điểm khác. Rồi khi tham gia đoàn công tác, hay dự sự kiện nào đó, lúc mọi người được nghỉ ngơi thì cũng là lúc phóng viên, nhà báo phải bắt tay vào viết, truyền tin, bài, ảnh về tòa soạn để bộ phận biên tập kịp thời chỉnh sửa, để phát sóng hoặc lên trang. Và rồi sau mỗi bài viết ấy, các phóng viên lại phải bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo, trang thông tin tiếp theo.

Đâu đó, trong cách đánh giá của một bộ phận xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”, bởi một số tác phẩm báo chí ra đời, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất không chính đáng của một số tổ chức, cá nhân, nhóm lợi ích nào đó… Vinh quang và vất vả luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Phía sau mỗi tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả nước mắt của những người làm báo. Mong rằng, mỗi tác phẩm báo chí ra đời sẽ góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lẩn thẩn gom nhặt những bâng khuâng để nhớ, để biết ơn những đồng nghiệp, những người say cháy với cơ quan, rộng hơn là với sự nghiệp báo chí nước nhà. Có thể đây cũng là dịp cho chúng ta, những người làm báo cùng nhìn lại, để cùng thương mến nhau hơn, quý trọng nhau hơn khi có những tháng ngày may mắn ở chung một nhà, cống hiến hết mình cho lý tưởng, cho đam mê...

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động