Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng”

31/03/2021 08:35 Nghiên cứu, trao đổi
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng”, mã số RD 51-18, do Viện Kinh tế Xây dựng chủ trì thực hiện. Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
nghiem thu de tai nghien cuu xay dung dinh muc san xuat cat nghien trong xay dung
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Về sự cần thiết thực hiện đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: theo số liệu thống kê về trữ lượng và nhu cầu sử dụng cát ở Việt Nam, sản lượng cát tự nhiên khai thác hiện nay chỉ đáp ứng được thêm từ 15-20 năm là cạn kiệt. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại, nhu cầu về cát xây dựng ngày một tăng trong khi lượng cát tự nhiên khai thác từ các cơ sở được cấp phép cũng chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu cát sử dụng trong một năm. Mặt khác, cát tự nhiên là một trong những nguồn tài nguyên không tái tạo, việc khai thác cát còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây sạt lở, xói mòn bờ sông. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt hạn chế việc khai thác và sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng. Do đó, việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là hết sức cần thiết.

Hiện nay, định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng công trình chưa được Bộ Xây dựng công bố. Tuy nhiên, tại một số công trình có sử dụng cát nghiền từ đá tự nhiên khai thác hoặc tận dụng (như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, thủy lợi Nước Trong, Tân Mỹ) thì đơn giá cát nghiền các công trình này được xác định theo dây chuyền biện pháp tổ chức sản xuất của từng công trình. Việc nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền giúp các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương, các doanh nghiệp sản xuất có cơ sở xác định, quản lý khai thác sử dụng cát nghiền làm vật liệu xây dựng tại địa phương và dự toán chi phí khi đưa cát nghiền vào thi công xây dựng công trình.

Đề tài có mục tiêu nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền nhằm hoàn thiện hệ thống công cụ xác định chi phí sản xuất cát nghiền trong xây dựng công trình. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã kết hợp sử dụng các phương pháp khảo sát thực tế tại hiện trường, thống kê - kinh nghiệm và phân tích - tính toán.

Báo cáo kết quả thực hiện đề tài gồm 03 chương. Trong chương 1 - “Tổng quan về cát nghiền trong xây dựng và định mức sản xuất cát nghiền”, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tổng quan được việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên, làm rõ khái niệm, đặc điểm, tính chất cơ lý cát nghiền ở nước ta hiện nay. Ở chương 2 - “Thực trạng sản xuất, sử dụng cát nghiền trong xây dựng và định mức sản xuất cát nghiền”, nhóm đã đánh giá thực trạng về dây chuyền công nghệ và nguồn vật liệu để sản xuất cát nghiền trong xây dựng và thực tế sử dụng cát nghiền trong xây dựng. Trong chương 3 - “Xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng”, nhóm đã đánh giá thực trạng về định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng tại một số công trình và một số địa phương, từ đó đề xuất các định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng ứng với các nguồn vật liệu đầu vào từ đá thải trong khai thác hầm lò; từ đá phụ phẩm trong quá trình sản xuất đá thành phẩm; từ đá tự nhiên khai thác tại mỏ hoặc đá tận dụng từ đào móng công trình và công suất của một số hệ thống dây chuyền nghiền cát.

Nhận xét về kết quả đề tài, hai ủy viên phản biện là ông Trần Hồng Mai - Chủ tịch Hội Kinh tế xây dựng và ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cùng các thành viên Hội đồng nhất trí: đề tài có ý nghĩa cao trong thực tiễn và được nhóm tác giả thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản. Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp các đơn vị có đủ căn cứ để xác định giá thành cát nghiền, nâng cao hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu làm rõ một số nội dung như: phạm vi đề tài, nguồn gốc đá đưa vào sử dụng làm cát nghiền và công nghệ nghiền bởi đây là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng cũng như giá thành sản phẩm cát nghiền. Hội đồng lưu ý nhóm nghiên cứu bổ sung nhóm định mức sản xuất cát nghiền từ đá tận thu từ đào móng công trình, đá đào hầm (hầm thủy điện, hầm giao thông) vào nhóm định mức sản xuất từ đá tự nhiên khai thác, và bổ sung thêm định mức sản xuất cát nghiền từ phế thải bê tông xây dựng.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng” đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, với kết quả xếp loại Khá.

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động