Ninh Thuận: Bảo vệ môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững
Thu gom xử lý rác thải, tạo môi trường sạch, đẹp
Với đường bờ biển dài hơn 105 km đi qua các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Thuận Nam, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã giúp Ninh Thuận có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, khu vực ven biển là nơi tập trung đông dân cư nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản, buôn bán tại các cảng cá, chợ hải sản rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh chú trọng triển khai việc quản lý, thu gom xử lý rác thải, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Điển hình, bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) từng là một trong những “điểm nóng” phải hứng chịu lượng rác rất lớn từ hoạt động sản xuất nuôi trồng hải sản và du lịch. Để bãi biển thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh đã ban hành riêng một đề án quản lý, xử lý rác thải bền vững ở khu vực này với các giải pháp bảo vệ môi trường biển mang tính đột phá như: Ban hành quy chế bảo vệ môi trường biển, lắp lưới chắn rác tại bãi tắm để ngăn rác từ ngoài biển trôi dạt vào bờ, giao công ty thu gom rác thải nghiên cứu, đầu tư triển khai mô hình tàu thu gom rác trên biển, chế tạo xe sàng cát thu gom rác trên bờ biển.
Đối với các lồng bè nuôi thủy sản tự phát án ngữ trên vịnh Phan Rang, tỉnh hướng dẫn người dân di chuyển về vùng nuôi theo đúng quy hoạch. Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, lập lại trật tự hàng quán ven biển, Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền người dân và khách du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhờ đó, đến nay, khu vực bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã giảm hẳn tình trạng rác thải, môi trường biển ngày càng trong sạch hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch trên địa bàn đang tác động tới chất lượng môi trường tự nhiên và xã hội. Theo đánh giá, công tác đảm bảo môi trường tại một số điểm du lịch chưa được đảm bảo, rác thải tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bãi biển vẫn còn; một số hoạt động của con người đã tác động đến rạn san hô, nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển. Ngoài ra, ý thức ứng xử văn minh du lịch còn hạn chế; công tác phối hợp quản lý nhà nước về đảm bảo môi trường du lịch giữa các cơ quan liên quan chưa thường xuyên, liên tục nên tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra.
Môi trường là yếu tố phát triển du lịch bền vững
Để phát triển du lịch bền vững, hướng đến xây dựng hình ảnh "Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn", UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, Ninh Thuận phấn đấu 100% khu, điểm du lịch công cộng, điểm dừng chân... được bố trí các thùng rác và phân loại chất thải phát sinh theo quy định; 100% khu, điểm du lịch hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch được hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật đạt 100%.
Đến năm 2030, có 95% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy; 100% cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm thực hiện Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh phấn đấu 100% cơ sở dịch vụ du lịch được bồi dưỡng, phổ biến về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên, đề án đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng tham gia phát triển du lịch thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; triển khai mô hình điểm như cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo môi trường, nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường góp phần phát triển bền vững du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.
Ninh Thuận cũng phát động phong trào, chương trình khuyến khích các đối tượng tham gia đề xuất sáng kiến đảm bảo môi trường trong du lịch; vận động nhân dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cộng đồng trong đảm bảo môi trường du lịch nhất là tại nơi công cộng, bãi biển, thu gom rác thải tại nơi sinh sống để giữ gìn vệ sinh chung. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, duy trì và phát huy đặc tính tốt đẹp của con người Ninh Thuận trong ứng xử văn minh, thân thiện, tận tình hỗ trợ khách du lịch.
Đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, Ninh Thuận khuyến khích, ưu tiên dự án có giải pháp khả thi, cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường, đặc biệt là môi trường du lịch biển nhằm mang lại hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội ở vùng ven biển. Ninh Thuận khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch một cách bền vững.
Với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2023, Ninh Thuận tăng cường khai thác thị trường du lịch nội địa, đẩy mạnh thu hút thị trường du lịch Đông Nam Á, Nga, Tây Âu và hướng đến mở rộng thị trường khách các nước Australia, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ.