Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ
Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều hoạt động truyền thông sẽ được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh thiếu niên và cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thông qua đó, chiến dịch kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các đoạn video truyền thông mang thông điệp “Nói Không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” được phát sóng trên toàn quốc từ ngày 27/5/2023 đến 16/7/2023 trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương, các hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn, các chung cư, nhà cao tầng và các kênh mạng xã hội, giúp thông điệp tiếp cận được với đông đảo người dân trên toàn quốc.
Phát biểu về việc triển khai Chiến dịch truyền thông tại lễ mít tinh, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết: “Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tỉnh thành phố triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Với những nỗ lực không ngừng của Chương trình PCTH của thuốc lá tại Việt Nam, giới trẻ Việt Nam đã có những nhận thức tốt hơn về tác hại của thuốc lá và thay đổi hành vi, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Tuy vậy, những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mặc dù chưa được phép, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi.
Vì vậy trong các chương trình truyền thông năm 2023 của Quỹ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội (TikTok, Youtube, Facebook) để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên”.
Tiến sĩ Tom Carroll, Cố vấn cấp cao về Truyền thông và Vận động chính sách của Vital Strategies, tổ chức đã có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam chia sẻ một số thông điệp được sử dụng trong Chiến dịch truyền thông “Nói Không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” bao gồm: (i) Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi; (ii) Giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocarbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư; (iii) Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện. Với những thực tế và bằng chứng cụ thể về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Tiến sĩ Tom Carroll cũng kêu gọi: “Hãy nói Không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Vital Strategies và các đơn vị đồng hành hy vọng thông qua Chiến dịch, những hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tiếp cận trên diện rộng với toàn thể người dân Việt Nam, đặc biệt tác động trực tiếp đến nhận thức của thanh thiếu niên cũng như cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên góp phần ngăn ngừa việc lưu hành và sử dụng các sản phẩm này tại Việt Nam.