Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức

30/01/2024 21:53 Nghiên cứu trong nước
Nước là nguồn tài nguyên quý giá và không phải vô tận, nước duy trì sự sống trên trái đất nhưng khi bị ô nhiễm, nước lại mang trong mình những chất độc hại tới tất cả những nơi mà nó diện hiện và hủy hoại môi trường, sự sống ở nơi đó. Một giải pháp căn cơ là hết sức cần thiết đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trước thực trạng về ô nhiễm nguồn nước hiện nay.

Thực trạng chung của nước thải hiện nay

Nước thải sinh hoạt là nguồn nước được thải ra từ những hoạt động thường ngày của con người như nấu nướng, giặt giũ, tắm rửa, sản xuất, khách sạn, nhà hàng... và chủ yếu bắt nguồn từ các hộ gia đình, cơ quan, bệnh viện, trường học, làng nghề, khu đô thị. Nước thải sinh hoạt bị đánh giá là có nồng độ ô nhiễm cao, chứa nhiều chất độc hại, hóa chất, virus, vi khuẩn, tạp chất vô cơ, hữu cơ... do đó, nếu nước thải sinh hoạt không qua hệ thống xử lý mà xả thẳng ra môi trường, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, cũng như môi trường xung quanh.

Trong nước thải sinh hoạt có chứa nhiều thành phần khác nhau, bao gồm 52% các chất hữu cơ hòa tan (thông qua các chỉ tiêu BOD5/COD) và 48% các chất vô cơ (Nitơ, Photpho…). Ngoài ra, nước thải sinh hoạt cũng có những sinh khuẩn, virus và vi sinh vật gây bệnh cho con người như virus gây bệnh tả, vi khuẩn gây bệnh kiết lỵ, E.coli, vi khuẩn gây bệnh thương hàn...

Nước thải sinh hoạt khi ngấm vào đất, các hóa chất trong nước sẽ tiêu diệu vi sinh vật có lợi, là nguyên nhân dẫn đến đất nông nghiệp bị bạc màu, sa mạc hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cây trồng và hàm lượng dinh dưỡng của cây nông nghiệp. Thêm vào đó hóa chất sẽ tấn công vào mạch nước ngầm, tiềm ẩn vô số tác hại với sức khỏe của con người, làm giảm cả về lượng và chất trong nuôi trồng thủy hải sản và vật nuôi.

Tác động tiêu cực có tính tức thời của nước thải sinh hoạt là ô nhiễm nguồn nước mặt, hủy hoại môi trường sống quanh ta, tiềm ẩn nguy cơ lây lan các nguồn bệnh như bệnh về đường ruột, bệnh viêm da, viêm hô hấp, bệnh tả kiết lị, ngộ độc, ung thư, thậm chí là nhiễm độc, biến đổi gen... nếu sử dụng thường xuyên hoặc bị tác động trong một thời gian dài từ những chất có hại của nước thải sinh hoạt.

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm trên địa bàn cả nước thải ra hơn 3.650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt. Trong đó, khu vực nông thôn chiếm khoảng 60% và đa phần không qua xử lý, mà xả thẳng ra môi trường. Lượng nước thải sinh hoạt được xử lý hiện nay, chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng nước thải sinh hoạt xả ra môi trường. Điều đó cho thấy, việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt còn khá khiêm tốn.

Đối với nước thải công nghiệp cũng đặt ra nhiều thách thức, khi thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp, giấu đường nước thải chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường “đánh cắp” một phần chi phí sản xuất, nhằm tăng sức cạnh tranh về giá của sản phẩm. Dấu hiệu thường thấy và dễ nhận biết là khi trời mưa, khu vực nước sông gần nơi sản xuất sẽ đổi màu, hoặc mặt nước sủi bọt trắng cả một đoạn sông. Trường hợp nhà máy đặt gần sông lớn, việc xả thải trộm thường xuất hiện về đêm và kết thúc vào gần sáng hôm sau để che mắt các cơ quan chức năng.

Nước thải của các ngành công nghiệp thường chứa hóa chất độc hại và kim loại nặng, có tác động tiêu cực tới môi trường nhanh và lâu dài như chì, thủy ngân, lưu huỳnh, asen từ khai thác mỏ; các chất phóng xạ như strontium, cesium từ ngành năng lượng nguyên tử; amiăng từ ngành may mặc; clo, amoniac từ vệ sinh và tẩy rửa công nghiệp; vận tải đường bộ, đường thủy; công nghiệp chế biến và sản xuất nhựa… cũng có hàng loạt các chất thải nguy hại tác động trực tiếp tới nguồn nước.

Một tác nhân ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước với quy mô lớn, làm biến mất nhiều loại thủy sinh và những vi sinh vật có lợi trong đất, là phế thải và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp như phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Một số thuốc trừ sâu có chứa asen như DDT, 666, wofatox, falizan, bi-58, metafot, basudin… gây các bệnh ung thư như đại tràng, vòm họng, gan, phổi… nguyên nhân của bệnh là do sử dụng nguồn nước nhiễm độc trong thời gian dài.

Sự cần thiết phải sớm kiểm soát và xử lý nước thải đối với nền kinh tế

Trên thực tế trong quá trình hội nhập, các nền kinh tế trên thế giới đã đưa sức cạnh tranh của hàng hóa theo xu hướng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường và áp dụng các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn nhằm loại bỏ dần sản phẩm, hàng hóa để lại nhiều tác dụng phụ cho môi trường sống của con người. Đây là xu thế tất yếu khi môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ dân số tăng, kéo theo sự gia tăng về sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất hàng hóa thiếu sự kiểm soát về mặt quản lý nhà nước và ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường của các chủ doanh nghiệp bị coi nhẹ, dẫn đến môi trường sống ngày một suy giảm. Thêm vào đó số lượng dân cư gia tăng, kéo theo chất thải và nước thải sinh hoạt tăng theo tỷ lệ thuận với số lượng dân cư; hàm lượng chất thải vượt xa khả năng tự xử lý của môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm trên hầu hết các vị trí địa lý của bề mặt trái đất và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Từ những nguyên nhân đó, đặt chúng ta vào tình thế phải sớm có giải pháp phù hợp và đồng bộ, đối với những tồn tại của môi trường hiện nay, bởi chi phí điều trị và hồi phục sức khỏe của con người, cũng như chi phí khắc phục môi trường bị ô nhiễm là không hề nhỏ. Thêm vào đó, nhu cầu hội nhập ngày một sâu rộng của Việt Nam với kinh tế thế giới, càng đặt vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường trở thành yêu cầu bức thiết trên tất cả mọi lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… cũng như môi trường sống của người dân.

Sự vào cuộc một cách đồng bộ, cần có những chính sách cụ thể từ Nhà nước; một định hướng rõ ràng từ các nhà khoa học; sự nghiêm minh khi thực thi luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; song song với nâng cao nhận thức của người dân, thông qua tuyên truyền và áp dụng các biện pháp khoa học giúp người dân nhận thức và hiện thực hóa bằng hành động về bảo vệ môi trường, là điều cần thiết hiện nay.

Một số hình ảnh nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý tại Hà Nội:

Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức
Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức
Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức
Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức
Nước thải và thực trạng môi trường đặt ra nhiều thách thức
Vũ Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động