Phát huy truyền thống 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
![]() |
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc và đề dẫn Toạ đàm |
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 21/6/1925, tờ báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa; là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, kịp thời lan tỏa để mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, kịp thời đưa tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, hòa chung dòng chảy của báo chí cách mạng cả nước, báo chí Ninh Bình cũng đã có một bề dày truyền thống đáng tự hào. Tháng 12/1961 cơ quan báo chí đầu tiên của tỉnh được thành lập với tên gọi Báo Ninh Bình Xây dựng gồm 9 cán bộ, phóng viên, xuất bản 2 số/tuần, in 4 trang.
Trải qua 64 năm hình thành và phát triển, đến nay tỉnh Ninh Bình có 2 cơ quan báo chí đó là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình và Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình gồm đa dạng loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, kênh trên mạng xã hội… với đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập có trình độ, luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tiếp tục khẳng định: “Báo chí thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân”.
TS. Phạm Quang Ngọc nhận định, hiện nay, việc triển khai thực hiện chủ trương hợp nhất các cơ quan báo chí theo tinh thần kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông (mạng xã hội, báo điện tử, trí tuệ nhân tạo…) đã và đang đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho báo chí cách mạng trong thời kỳ mới.
![]() |
Đại biểu Tạp chí Cộng sản trình bày phần báo cáo trung tâm |
Do đó, báo chí Ninh Bình nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phù hợp với xu hướnghội tụ truyền thông, số hóa truyền thông, xu hướng tích hợp báo chí (truyền thông) - công nghệ thông tin - viễn thông... đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin, tăng cường tính tương tác, tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Với Ninh Bình, Phó Chủ tịch Phạm Quang Ngọc cho rằng, mục tiêu thiên niên kỷ của tỉnh là hướng tới phát triển bền vững, trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, một tỉnh giàu đẹp, văn minh với bản sắc riêng.
Để đạt được mục tiêu đó, báo chí của tỉnh phải tiếp tục đổi mới về tư duy lãnh đạo, phương thức hoạt động và nội dung tuyên truyền; xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, khai thác tối đa thế mạnh của từng loại hình báo chí, thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu 4S: “Sớm thông tin - Sâu nghiệp vụ - Sắc lý luận - Sành công nghệ”.
Cùng với đó, tiếp tục phản ánh toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh; phản ánh và định hướng dư luận xã hội, đóng vai trò chủ lưu, bảo đảm trung thực, khách quan, kịp thời, là địa chỉ tin cậy của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân...
![]() |
Đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Ninh Bình trình bày tham luận tại hội thảo |
Tại tọa đàm “Phát huy truyền thống 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - Báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ”, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ tầm quan trọng, vai trò của báo chí trong phát huy, bảo vệ di sản đô thị nói chung và hệ thống di sản đô thị Ninh Bình nói riêng.
Các ý kiến cũng nhận diện, phân tích những khó khăn, bất cập đã và đang đặt ra cho báo chí nhằm thúc đẩy, phát huy vai trò của báo chí trong phát triển và bảo tồn di sản đô thị.
Đồng thời, đề xuất những giải pháp đột phá để quảng bá di sản đô thị Ninh Bình ra thế giới, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị; xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn hiệu quả, có hiệu ứng lan tỏa lâu dài, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình, để Ninh Bình trở thành một hình mẫu đô thị di sản của thế kỷ XXI.
Khẳng định vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong 100 năm qua, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, báo chí Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên mới của dân tộc, với những vấn đề liên quan đến số hóa, kỷ nguyên đa phương tiện, sắp xếp tinh gọn… Nhìn nhận vai trò quan trọng của đô thị di sản trong tổng thể mục tiêu thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình, để lan tỏa, thúc đẩy phát huy giá trị di sản mạnh mẽ của địa phương, theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, báo chí địa phương nói riêng, báo chí Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng.
Để làm sâu sắc thêm chủ đề của Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý ở Trung ương, địa phương còn thảo luận làm rõ và bổ sung thêm những vấn đề về triển khai, phát huy sức mạnh của báo chí trong vấn đề bảo tồn di sản nói chung và phát huy truyền thống 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam-Báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ nói riêng. Đồng thời gợi mở, đưa ra những ý kiến làm căn cứ cho những giải pháp chính sách thi hành công tác quản lý nhà nước về báo chí trong thời đại công nghệ số gắn với xây dựng đô thị di sản, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người vùng đất Cố đô.
Tổng hợp nội dung các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, có thể thấy, với cách tiếp cận toàn diện, khách quan, khoa học, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý báo chí, chuyên gia đã đi sâu phân tích, luận giải những vấn đề cốt lõi về vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản; đồng thời cũng nêu lên những vấn đề cần lưu ý, những thách thức mà báo chí phải đối mặt trong quá trình là công cụ truyền thông, từ đó đưa ra những đề xuất các giải pháp từ góc nhìn báo chí nhằm xây dựng báo chí Ninh Bình vì mục tiêu thiên niên kỷ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Buổi tọa đàm không chỉ là dịp để nhìn lại truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt một thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Ninh Bình nói riêng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và trong việc hiện thực hóa mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là trong công tác phát huy, bảo vệ di sản đô thị, góp phần cùng cả nước thực hiện khát vọng phát triển của đất nước...