Phú Thọ: Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

20/09/2023 11:04 Địa phương
Theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ nhanh, toàn diện và bền vững.
Phú Thọ: Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Phú Thọ đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng 10,11% (nằm trong nhóm 10/63 tỉnh, thành có tốc độ tăng cao); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,3% so cùng kỳ, có 4/4 ngành công nghiệp tăng khá, trong đó: Chế biến, chế tạo tăng 15,3% (cùng kỳ tăng 12,4%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,1% (cùng kỳ tăng 15,5%); khai khoáng tăng 26,9%.

Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 07/18 ngành cấp II tăng so cùng kỳ (sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 34,9%- nhờ đóng góp chủ yếu năng lực mới của Công ty điện tử BYD; sản xuất thiết bị điện tăng 60,3%...

Mặc dù một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên, do khó khăn trong tiêu thụ, thiếu đơn hàng, nhiều ngành hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực giảm sâu so cùng kỳ như: Quần áo trang phục giảm 18,5%; dệt giảm 13,9%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 25,2%; chế biến thực phẩm giảm 24,3%; đồ uống giảm 23,2%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 14,1%; gạch các loại, xi măng lượng hàng tồn kho lớn…

Đối với hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 24.419,2 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ (trong đó doanh thu bán lẻ đạt 19.932,6 tỷ đồng, tăng 14,2%). So với kế hoạch năm 2023 đạt 48% (KH đề ra là 50.700 tỷ đồng). Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng ước tăng 3,0%. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, giá trị xuất, nhập khẩu giảm so cùng kỳ (xuất khẩu đạt 5.050 triệu USD, bằng 82,5%, nhập khẩu đạt 3.742 triệu USD, bằng 66,2% so cùng kỳ)

Nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Với ưu thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc và là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, Phú Thọ đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, ngành CNHT cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài mở ra nhiều tiềm năng về phát triển CNHT tại đây.

Trên địa bàn tỉnh có 250 cở sở, DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Các nhóm ngành chủ yếu về dệt may; da giày; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất – phân bón; thiết bị điện – điện tử; chế biến gỗ – giấy; chế biến thực phẩm – đồ uống; chế biến nông sản…

Ở các địa phương trong tỉnh hiện đã có một số cơ sở, DN đầu tư, sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cơ khí, chế tạo đã gây dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường như: Phụ tùng, linh kiện lắp ráp ô tô, xe máy của Công ty TNHH công nghệ COSMOS 1.

Ngành Công Thương cũng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động bám sát, nắm bắt, đôn đốc tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các dự án trọng điểm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp có thế mạnh.

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách phát triển các KCN, CCN; công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin… Phú Thọ cũng xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; xác định các nhà đầu tư chiến lược, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh... Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư.Qua đó... tạo động lực thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 KCN được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đi vào hoạt động. Đến nay, các KCN đã thu hút được 166 dự án vào đầu tư; trong đó, có 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.471 tỷ đồng, 77 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.638 triệu USD; 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với vốn đăng ký là 4.207 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy trên 58% diện tích đất công nghiệp; tạo việc làm cho trên 49.500 nghìn lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là mặc dù tiềm năng sử dụng và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại tỉnh Phú Thọ và các địa phương lân cận khá cao, nhưng hầu hết DN đều mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm hay dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp còn khá yếu kém và cũng đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, làm cho chi phí đầu vào của DN nhỏ và vừa khá cao.

Trước những vướng mắc này, trong chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ đã đặt ra mục tiêu, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển CNHT, làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị trị toàn cầu.

Để thực hiện chương trình này, thời gian tới, Sở Công Thương Phú Thọ sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ DN CNHT, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, sẽ khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm CNHT; tổ chức các diễn đàn giữa DN CNHT trên địa bàn tỉnh với các DN trong và ngoài nước; hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm CNHT; hỗ trợ khảo sát tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước…

Ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực công nghiệp

Thứ nhất, sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc thiết bị. Đây là ngành công nghiệp quan trọng và phù hợp ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ cho các dự án lớn trong các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, điện – điện tử, dệt may – da giầy, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp công nghệ cao…

Thứ hai, công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử – tin học – viễn thông. Là lĩnh vực cần được ưu tiên vì đây là ngành công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên về dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành này là hết sức cần thiết. Điện tử – tin học – viễn thông là 3 lĩnh vực công nghiệp riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau, có thể ưu tiên phát triển ở cả 3 bước công nghệ gồm: Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện – điện tử; công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào các khung vỏ sản phẩm, bảng mạch điện tử … Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, nhất là vật liệu điện tử.

Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới. Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.

Thứ tư, lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói. Đây là lĩnh vực có tiềm năng của địa phương để phát triển và tạo sức cạnh tranh nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, bao bì cao cấp, vật liệu tự phân hủy… sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may-da giày (túi đựng sản phẩm, móc áo, các loại bìa lót áo, giấy chống ẩm, khoanh cổ, nơ cổ, các loại cài, kẹp nhựa…); sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng (bao bì xi măng); công nghiệp đồ uống,… Sản xuất phụ gia hạt nhựa đang có xu hướng phát triển mạnh nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có là bột đá trắng siêu mịn được cung cấp từ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Thứ năm, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giày. Là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu từ nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn. Lĩnh vực sản xuất lựa chọn gồm: Sản xuất xơ, sợi – kéo sợi, dệt vải; các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong quá trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt- may như bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ…; cúc các loại; chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo…. Nguyên liệu chính sản xuất giày dép như: Da thuộc, vải sợi bông, sợi tổng hợp, giả da, cao su, chất dẻo…

Thứ sáu, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng. Tỉnh Phú Thọ được biết đến là tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ như Đền hùng, Đầm Ao Châu, nước khoáng nóng Thanh Thủy…; là tỉnh có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tương đối lớn. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm quà lưu niệm, đặc sản địa phương, đồ gỗ, trang trí nội thất… trên thị trường cả trong nước và quốc tế là rất lớn. Trong khi đó khả năng sản xuất, cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu. Do đó, ưu tiên hỗ trợ để phát triển sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành là cần thiết và đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh toàn diện và bền vững.

Để giải quyết những vướng mắc này, trong chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ đã đặt mục tiêu khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần tăng 20 – 25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động