Quận Sơn Trà: Hiệu quả từ mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm

12/01/2023 11:15 Địa phương
Thời gian qua, việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên toàn thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà nói riêng rất được chú trọng và tăng cường triển khai, mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ đảm bảo thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao nhận thức của tiểu thương về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Việc xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do đó, hằng năm quận Sơn Trà đã tích cực vào cuộc nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, để nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn quận về vấn đề ATTP đối với sức khỏe cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Ban quản lý Chợ quận Sơn Trà, hiện nay trên địa bàn quận có07 chợ hạng 2 là Chợ An Hải Đông, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông, Hà Thân, Mân Thái, An Hải Bắc và chợ Mai. Trong đó có 4 chợ được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đó là chợ Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, An Hải Bắc và mới đây là chợ An Hải Đông.

Chợ An Hải Đông cùng với chợ Hòa Mỹ, chợ Tân An, chợ Tân Lập vừa được công nhận chợ đủ điều kiện ATTP.
Chợ An Hải Đông cùng với chợ Hòa Mỹ, chợ Tân An, chợ Tân Lập vừa được công nhận chợ đủ điều kiện ATTP.

Chợ An Hải Đông hiện có 205 điểm kinh doanh với 162 tiểu thương đang kinh doanh hàng thực phẩm. Tại đây, các ngành hàng được bố trí từng khu vực riêng biệt; tách biệt giữa hàng thực phẩm và phi thực phẩm; hàng ăn uống không bố trí liền kề với khu vực kinh doanh thịt, cá để ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến, giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Công tác vệ sinh môi trường tại chợ rất được chú trọng. Hoạt động vệ sinh, thu gom rác thải được tổ chức thường xuyên 2 lần/ngày, đảm bảo không để tồn lưu rác tại chợ quá 24 giờ từ lúc phát sinh, thường xuyên tổ chức tổng dọn vệ sinh chủ nhật hàng tuần; các tiểu thương đều có phương tiện, dụng cụ thu gom rác trong giờ họp chợ và có ý thức tự giác thực hiện vệ sinh tại điểm kinh doanh của mình.

Hiện nay, 100% tiểu thương đang kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ An Hải Đông đã ký Bản cam kết với Ban Quản lý Chợ về việc thực hiện các tiêu chí ATTP và yêu cầu khi sử dụng phụ gia, hóa chất phải nằm trong danh mục cho phép và phải đúng liều lượng, đúng đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật.

Đến nay, chợ An Hải Đông đã hoàn thành 100% đối với các tiêu chí chung và 100% các tiêu chí phân theo ngành hàng, đạt 100% so với bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm, và 100% tiểu thương đều có Giấy tự xác nhận kiến thức về ATTP.

Các ngành hàng tại Chợ An Hải Đông được bố trí riêng biệt theo từng nhóm, tránh lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Các ngành hàng tại Chợ An Hải Đông được bố trí riêng biệt theo từng nhóm, tránh lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Không chỉ riêng chợ An Hải Đông mà tất cả 07 chợ trên địa bàn quận Sơn Trà đều được giám sát thường xuyên công tác đảm bảo ATTP. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận Sơn Trà, sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên từ Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, sự phối hợp và hỗ trợ của các Phòng Ban, các địa phương. Hiện nay, nhận thức về công tác ATTP của lực lượng quản lý chợ và các hộ kinh doanh tại chợ đều được nâng lên.

Bên cạnh đó, BQL chợ quận Sơn Trà thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, về sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, về tình hình các loại dịch bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh... nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm kinh doanh thông qua việc chấp hành sổ ghi chép, lưu trữ hóa đơn, chứng từ sản phẩm kinh doanh.

Tại Hội nghị đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022, đại diện lãnh đạo Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP được triển khai thường xuyên, liên tục và đột xuất trên 20.000 cở sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, xử phạt 239 cơ sở. Thực hiện giám sát ô nhiễm thực phẩm với tất cả các sản phẩm thực phẩm nhằm phát hiện sớm thực phẩm không đảm bảo an toàn để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Các chợ truyền thống hiện nay vấn đề về vệ sinh ATTP thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng thành công mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP là điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị quản lý chợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.

Nguyễn Nhàn

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động