Quảng Nam: Đẩy mạnh triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

10/09/2024 11:31 Kinh tế, xã hội
Hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang thực sự bùng nổ, vừa mang lại nhiều cơ hội giúp tăng thu ngân sách, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý thuế. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Quảng Nam về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT, thời gian qua, Cục Thuế Quảng Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động này trên địa bàn toàn tỉnh.

Quyết liệt triển khai quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Hiện nay, Văn phòng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đang quản lý 57 doanh nghiệp (là các doanh nghiệp phát sinh doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú qua Booking, Agoda, Traveloka) và tại các Chi cục Thuế đưa vào quản lý 47 doanh nghiệp và 95 cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục Trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trong 7 tháng đầu năm 2024 mang lại một số kết quả tích cực, trong đó, tổng doanh thu tại văn phòng Cục Thuế đạt 8,3 tỷ đồng; tại các Chi cục Thuế, thu từ doanh nghiệp kinh doanh đạt 8 tỷ đồng và thu từ các cá nhân kinh doanh đạt 864 triệu đồng (đây là các tổ chức, cá nhân vừa kinh doanh truyền thống vừa phát sinh thu nhập từ kinh doanh TMĐT).

Quảng Nam hiện có gần 200 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ  hoạt động thương mại điện tử.
Quảng Nam hiện có gần 200 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.

Cục Trưởng Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT của UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ngành và sự chấp hành nghiêm túc, mạnh mẽ trong triển khai thực hiện của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động tại Cục và các Chi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.

Để quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn thu từ lĩnh vực này, Cục Thuế Quảng Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam cũng đã chỉ đạo quyết liệt các phòng, các Chi cục Thuế trực thuộc thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc và quản lý việc kê khai, nộp thuế của người nộp thuế có hoạt động TMĐT theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.

Thời gian tới, Cục Thuế Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 40/2021/TT-BTC; chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hồ sơ, thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế để NNT hiểu và tự giác thực hiện.

Ngoài ra, để công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT đạt hiệu quả cao, ngành Thuế Quảng Nam đặc biệt quan tâm, đề ra các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý dữ liệu, cụ thể: khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT trên Kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế (ứng dụng DW); trên Hệ thống quản lý thuế tập trung (ứng dụng TMS).

Khai thác dữ liệu tổ chức, cá nhân sở hữu các website TMĐT bán hàng trên Hệ thống quản lý hoạt động TMĐT của Bộ công thương (online.gov.vn); các sàn TMĐT của Sở Công thương, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố như: sanpham.quangnam.gov.vn, phienchosam.com.vn,..

Yêu cầu các Ngân hàng thương mại; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có giao dịch nhận tiền từ các nhà cung cấp như: Google, Facebook, Youtube… hoặc các sàn TMĐT như: Shopee; Lazada, Tiki...

Yêu cầu các đơn vị bưu chính, chuyển phát, các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng thu tiền hộ (hình thức COD); các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển hàng hóa trên địa bàn cung cấp thông tin tổ chức, cá nhân có kinh doanh TMĐT.

Phân công công chức rà soát các tổ chức, cá nhân tại địa bàn quản lý có thu nhập thông qua hình thức bán hàng livestream trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo..), tổng hợp danh sách hàng quý mời làm việc, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định.

Ngoài ra, Cục Thuế Quảng Nam đã xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy quét, rà soát trên các sàn TMĐT, nền tảng mạng xã hội để xác định danh tính người nộp thuế.

Đồng thời, trình UBND tỉnh Quảng Nam ban hành đề án chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm tăng cường công tác phối kết hợp, cung cấp thông tin của các sở, ngành để quản lý thuế đối với lĩnh vực này được tốt hơn.

Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần tích cực trong việc thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số kinh tế của tỉnh Quảng Nam, cũng như tạo mốt bước tiến quan trọng đánh dấu xu hướng chuyển đổi số mà ngành thuế đang hướng tới.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đối với các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Theo đó, tại Công văn số 1287/TCT-DNNCN ngày 28/3/2024, Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2024, tạo tiền đề cho các giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng HĐĐT một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ cho các Cục Thuế lập kế hoạch triển khai cho năm 2024, đảm bảo phấn đấu hết Quý II đạt 30%, hết Quý III đạt 50% để tiến tới mục tiêu đạt 70% vào cuối năm 2024.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế. (Hình minh hoạ)

Tại Quảng Nam, sau 8 tháng triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp, đã có 710 cơ sở kinh doanh (CSKD) đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó số lượng CSKD đã đăng ký đến cuối năm 2023 là 400 CSKD, số lượng CSKD đã đăng ký trong năm 2024 là 310 CSKD. Riêng các Chi cục Thuế khu vực Điện Bàn - Duy Xuyên, Chi cục Thuế khu vực Phước Sơn - Nam Giang, Chi cục Thuế khu vực Đông Giang - Tây Giang đều đạt trên 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2024.

Như vậy, so với kế hoạch đặt ra năm 2024 là 479 CSKD đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền thì toàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được 64,7% trong tổng số 70% mục tiêu mà Tổng cục Thuế đề ra vào cuối năm 2024. Đây là kết quả đáng ghi nhận trên lộ trình triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024 của toàn tỉnh Quảng Nam.

Cục Thuế Quảng Nam triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền .
Cục Thuế Quảng Nam triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền .

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục Trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, bám sát kế hoạch đã đề ra, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã liên tục rà soát xác định số lượng cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo sát với thực tế.

Theo đó, Cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các Phòng quản lý, các Chi cục Thuế trực thuộc chỉ đạo quyết liệt việc tiếp tục mở rộng đối tượng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn thông qua việc giao chỉ tiêu triển khai đến từng công chức quản lý các cơ sở kinh doanh để có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, vận động, đôn đốc các CSKD đăng ký sử dụng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền đối với người bán và người mua về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong việc đáp ứng yêu cầu phải lập hóa đơn thường xuyên, liên tục, 24/7 đối với các nhóm ngành nghề kinh doanh đặc thù, bao gồm: Nhóm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; Nhóm bán lẻ hàng hóa; nhóm bán lẻ thuốc tân dược; Nhóm kinh doanh vàng, bạc, đá quý; Nhóm kinh doanh xăng dầu, phí đường bộ, sân golf, cáp treo,… và nhóm dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch,…

Để tiến tới hoàn thành kế hoạch năm 2024, Cục Trưởng Nguyễn Văn Tiếp cho biết, sẽ quyết liệt đẩy mạnh việc rà soát mở rộng đối tượng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo các CSKD có ngành nghề kinh doanh đặc thù nằm trong diện triển khai phải được đưa vào kế hoạch. Các Phòng và Chi cục Thuế phải nỗ lực hơn nữa, phải bám sát nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế sẽ phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các CSKD đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo công tác quản lý thuế trên từng giải pháp triển khai phải đạt được hiệu quả cao nhất.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động