Tp. Hồ Chí Minh
Sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố
Ảnh minh họa |
Ngày 15/10, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 5 và quận 11 của các Đại biểu Quốc hội đơn vị 4 TP. HCM, nhiều cử tri đã nêu bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, công tác xử lý rác trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt được yêu cầu và kỳ vọng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Sâm (cử tri phường 6, quận 5) nêu vấn đề, hiện các công ty, đơn vị thu gom rác vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và sử dụng công nhân thu gom rác. Công ty thu gom rác thuê nhân công mùa vụ, không ổn định, không có giao ước cụ thể, nên khi họ tự ý nghỉ việc cũng không kịp thời điều chuyển người thay thế, rác tồn động 3-4 ngày gây ô nhiễm, hôi thối mà người dân không biết kêu ai.
Về chủ trương phân loại rác tại nguồn, ông Lâm Anh Tài (cử tri phường 8, quận 11) cho biết, hiện tỉ lệ người dân tham gia còn thấp, do đã phân loại và đổ rác đúng nơi quy định nhưng khi chứng kiến các đơn vị thu gom vẫn trộn lẫn rác, người dân lại mất lòng tin vào chương trình này.
Bên cạnh đó, đối với một số loại rác như vỏ dừa, vỏ sầu riêng… mỗi tuần thu gom 2 lần là chưa phù hợp và thiếu khả thi, cần thay đổi cho phù hợp và khoa học hơn. Ông Lâm Anh Tài cũng đề xuất thành phố cần nghiên cứu, đưa vào sử dụng các phương tiện phù hợp với từng loại rác thu gom, đã phân loại rác thì khi thu gom phải giữ nguyên rác đã phân loại.
Đối với hình thức tuyên truyền chủ yếu hiện nay là trực tiếp tại các hộ, ông Tài cho rằng chưa hiệu quả do đa số đối tượng là người lớn tuổi, nội trợ, còn một bộ phận lớn những người trẻ, tri thức, dân công sở, thì tuyên truyền viên chưa tiếp cận được. Cần thay đổi, bổ sung các hình thức tuyên truyền khác, tác động vào nhiều đối tượng, đặc biệt là giới trẻ, đưa vào các chương trình truyền hình, gameshow, có người nổi tiếng tham gia để tăng tính lan toả, tạo thành trào lưu…
Phản hồi ý kiến cử tri, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, Thành uỷ đã chỉ đạo UBND phải chuyển ngay các đường dây rác dân lập thành các HTX và doanh nghiệp, hiện đã chuyển được khoảng gần 50% (1.400 trong số 2.500 đơn vị thu gom rác). Từ đó, sẽ giải quyết được các vấn đề tập huấn, trang bị đồ dùng, dụng cụ bảo hộ lao động cho người thu gom rác, rà soát chế độ ưu đãi cho con em người làm trong lĩnh vực này… Trong tháng 12/2019, thành phố sẽ có đủ các tiêu chí để hỗ trợ các đường dây chuyển thành công ty, HTX.
Ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin, vừa rồi, Thành uỷ đã chỉ đạo chốt mẫu xe thu gom rác ở hộ gia đình, hướng dẫn các đơn vị thu gom chuyển đổi phương tiện, với con số tổng hợp sơ bộ là 8.300 phương tiện, vốn cần thiết để chuyển đổi là 360 tỉ, sẽ được thành phố bố trí trong thời gian tới.
"Sở sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, người dân, bổ sung vào giải pháp tham mưu cho UBND Thành phố. Từ nay tới cuối năm 2019, sẽ xử lý căn cơ toàn bộ vấn đề còn tồn tại và trong năm 2020 sẽ tổ chức lại cho hoàn thiện. Trong đó, kiên quyết trong việc xử lý chất thải sinh hoạt phải thu về giá trị kinh tế, biến rác thành điện năng chứ không chôn lấp" - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM khẳng định.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan thừa nhận, quá trình tiếp nhận quy trình quản lý rác của thành phố triển khai quá dài, đến khi nhìn lại, công nghệ đã lạc hậu hơn nhiều so với thế giới.
"Hiện nay, công nghệ đốt rác rất phát triển, tất cả các loại rác đều có thể đốt sinh điện. Vậy có cần thiết phải phân loại rác tại nguồn hay không? Câu trả lời là rất cần, nhưng phải làm theo cách khác" - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, trước đây, phân loại rác theo hướng hữu cơ và vô cơ, gây khó khăn cho người dân trong xác định từng loại, thì nay với công nghệ đốt rác sinh điện, chỉ cần phân ra rác có thể tái chế như: Giấy, chai nhựa, sắt vụn… và rác khác. Rác tái chế sẽ được thu gom hằng tuần để đem đi tái chế, tạo ý thức giữ gìn, tiết kiệm trong người dân, đồng thời nếu đã phân loại trong nhà thì ngoài đường sẽ không còn tình trạng bới rác tìm chai lọ gây ô nhiễm.
"Giải pháp này có lợi cho quốc kế dân sinh và lợi cho gia đình. Sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn thành phố, không làm thí điểm" - ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan khẳng định, nếu tổ chức bộ máy thu gom, xử lý rác không đồng bộ, không hoạt động theo quy củ, không có cơ chế ràng buộc thì công tác quản lý vệ sinh môi trường sẽ rất khó khăn. Vì vậy, thành phố quyết liệt chỉ đạo chuyển các đường dây rác thành HTX và công ty; đồng bộ hoá từ thùng rác, phương tiện thu gom, vận chuyển đến đồng phục của người thu gom.
Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn để bảo đảm thực hiện đồng bộ các công việc, cố gắng cuối năm 2020 tất cả quận, huyện đều phải đăng ký thay đổi mô hình tổ chức đường dây rác chuẩn hoá, đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh đô thị.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng chỉ đạo, phối hợp với từng quận, huyện sắp xếp, quy hoạch lại các đường dây rác, phân vùng công bằng, hợp lý, khoa học không chèn ép để vừa có lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Hiện, các công ty môi trường lớn, công ty dịch vụ công ích chưa quan tâm và có nhiều mối liên kết, kết nối, hỗ trợ với các đường dây rác. Sắp tới, thành phố sẽ đưa ra một số nhiệm vụ đặc biệt để các công ty này hỗ trợ, cùng phát triển với các đường dây rác; đưa các quy định về vai trò, trách nhiệm xử lý rác của từng đơn vị.
Ngày 18/7, UBND TP. HCM có chủ trương về thực hiện chỉ tiêu môi trường đến cuối năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Ngay từ khi có chỉ đạo nói trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai công tác chuẩn bị lễ khởi công xây dựng các nhà máy chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Sáng 28/8, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cùng các cơ quan sở ngành đã phát động khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại TPHCM. Nhà máy đốt rác phát điện thứ hai của Thành phố cũng sẽ được khởi công vào sáng 16/10, đánh dấu bước ngoặt trong công nghệ xử lý rác, hứa hẹn 4.000 tấn rác mỗi ngày của TP. HCM sẽ được đốt thành điện từ cuối năm sau. |