Tác nhân “giấu mặt” gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Nước sạch rất cần thiết đối với đời sống con người. |
Bạn thắc mắc vì sao ở các vùng đô thị mặc dù đã sử dụng nước sạch nhưng nhiều người vẫn gặp phải tình trạng nấm tóc, viêm da, đau mắt hoặc các bệnh liên quan đến da liễu, tiêu hóa khác. Nguyên nhân có phải do nguồn nước ô nhiễm? Và nước bị ô nhiễm thường do đâu?
Nước được gọi là nước sạch khi đảm bảo các chỉ tiêu như: nước trong, không màu, không mùi vị lạ, không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại. Trên lý thuyết, quá trình xử lý nước tại nguồn và đưa nước đã xử lý của nhà máy đến với người dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế, không được chứa bất kỳ chất độc hại nào gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên trong thực tế, có những nguồn nước sạch đã bị nhiễm bẩn trong quá trình lưu chuyển từ đầu nguồn đến các khu vực sử dụng. Đây là vấn đề thách thức nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Cách nhận biết nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn
Theo các chuyên gia, mỗi gia đình có thể dựa vào màu sắc, mùi vị, độ đục… để phát hiện ô nhiễm nguồn nước và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Màu sắc, mùi vị: Nếu thấy nước có mùi tanh, có màu xanh hoặc vàng sau khi để ngoài không khí là nước bị nhiễm sắt, mangan, tảo biển cao. Nước có mùi hôi có thể do nguồn nước ngầm đã bị nhiễm nước thải, chất hữu cơ trong đất. Nếu nước có màu đục chứng tỏ có các chất lơ lửng nhiễm trong nước như chất keo, đất sét, tảo, vi sinh…
Vật dụng đun nước nóng: Người dùng chỉ cần kiểm tra các dụng cụ bằng sành sứ như ấm đun nước, bình nóng lạnh, nếu dưới đáy có cặn đen, có nghĩa nước đã nhiễm mangan.
Cách đun nước: Lấy một lượng nước đem đun sôi, khi sôi nếu thấy hiện tượng nổi váng hay có cặn trắng thì nguồn nước chưa xử lý hết độ cứng.
Kiểm tra nhiễm asen: Để nước vào một chiếc bình và kiểm tra lại sau một thời gian. Nếu thấy tình trạng nước đục, chuyển sang màu trắng sữa thì nguồn nước đã bị nhiễm asen và gây nguy hại cho sức khỏe.
Chúng ta nên kiểm tra đường ống dẫn nước sau vài năm sử dụng. |
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước là do rác thải từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, các loại rác thải nhựa hoặc nilon, sau khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Theo thời gian, rác thải tích tụ rồi ngấm vào trong các mạch nước ngầm, dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những tác nhân có thể nhận thấy dễ dàng và trực quan. Còn một nguyên nhân “giấu mặt” mà con người rất khó kiểm soát, đó là từ việc sử dụng những đường ống dẫn nước bằng nhựa. Đây là một loại vật liệu dẻo tổng hợp hoặc bán tổng hợp được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong ngành ống dẫn nước. Được quảng cáo là có độ bền lên tới 20 năm tùy loại, tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, dưới tác động dòng chảy của nước, bên trong ống nhựa sẽ bị bào mòn tạo ra các gờ nhám, gây đóng cặn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trú ngụ.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất ống nhựa, các nhà sản xuất thường thêm vào các chất ổn định, phụ gia và một tỷ lệ nhất định phế liệu, bột đá. Những thành phần này rất khó kiểm soát về chất lượng và độ an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước đầu ra.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì có đến 80% nguyên nhân nhiễm bệnh ở các nước đang phát triển liên quan đến nguồn nước. Nếu nguồn nước không đạt tiêu chuẩn về vi sinh có thể gây các bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột… Còn đối với nguồn nước có hàm lượng sắt, mangan cao sẽ gây các bệnh khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Đặc biệt, các kim loại nặng như: asen, thủy ngân, chì… có thể gây ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài.
Khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiễm độc hoặc không được kiểm nghiệm, các gia đình cần kiểm tra lại đường ống dẫn nước trong nhà và có sự điều chỉnh kịp thời để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, tránh những hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe.