Tăng cường hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại Bắc Ninh
Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt |
Tình hình thu gom, vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, dân số đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh cũng phát triển ngày càng nhanh, cơ cấu kinh tế đang từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Cùng với sự tăng trưởng và phát triển cả về dân số và kinh tế kể trên lượng chất thải rắn đô thị phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về thành phần. Theo thống kê, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.150 tấn/ngày đêm (tăng 34,7% so với năm 2020 - khoảng 750 tấn/ngày) và dự kiến mỗi năm tăng thêm từ 7 - 10%. Trong đó, thành phố Bắc Ninh khoảng 240 tấn/ngày đêm, thị xã Quế Võ khoảng 140 tấn/ngày đêm, thị xã Thuận Thành khoảng 120 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình khoảng 60 tấn/ngày đêm, thành phố Từ Sơn khoảng 200 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du khoảng 150 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong khoảng 180 tấn/ngày đêm và huyện Lương Tài khoảng 60 tấn/ngày đêm.
Sau 3 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt toàn thành phố thu gom đạt 99,9 %, không còn tình trạng rác tồn đọng ngoài môi trường. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ môi trường của thành phố.
Hiện nay, toàn thành phố đã quy hoạch lại các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt một cách chi tiết, hợp lý, phù hợp với quá trình thu gom, vận chuyển. Thành phố cũng lắp đặt các thùng rác inox đặt tại các vườn hoa, công viên; thùng rác thải sinh hoạt đặt tại các tuyến đường, phố được bố trí theo màu xanh và vàng để dễ dàng thực hiện việc phân loại rác thải. Các phường cũng tăng cường đầu tư các loại thùng rác để thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, không còn lượng rác thải tồn đọng ngoài môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được UBND thành phố ký hợp đồng dịch vụ với các đơn vị chức năng cung cấp dịch vụ, thu gom với tần suất 2, 3 lần/ngày đối với các tuyến phố chính, khu dân cư và thu gom 1 lần/ ngày đối với khu vực công cộng. Các đơn vị được ký hợp đồng thu gom đã huy động các thiết bị hiện đại, chuyên dụng tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo đảm quy trình thu gom hiện đại, không rơi vãi rác, rỉ nước rác hay bốc mùi ra các khu vực thu gom. Các phương tiện vận chuyển rác thải sinh hoạt chuyên dụng đều được gắn định vị GPS và truyền hình ảnh từ camera tại trạm cân, đồng hồ hiển thị cân tại các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt về Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố để theo dõi, nắm bắt đúng quy định.
Quy trình thu gom chất thải sinh hoạt được thực hiện bài bản, khoa học. Rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân được lưu giữ trong các thùng rác đặt trên vỉa hè (đối với các địa phương đã được trang bị thùng rác), hoặc thùng rác do hộ gia đình tự đầu tư được công nhân thu gom theo giờ vào các xe gom đẩy tay hoặc xe điện 3 bánh. Các xe cẩu gắp chuyên dụng cẩu gắp rác từ xe gom, thùng đựng rác tại các điểm trung chuyển lên xe chuyên dùng chở rác, rồi di chuyển đến khu xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải để xử lý. Thành phố cũng bắt đầu hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác: Nhóm rác thải hữu cơ đựng trong thùng rác màu xanh, nhóm rác thải vô cơ chôn lấp được đựng trong thùng màu vàng, nhằm giảm tải lượng chất thải phải xử lý.
Ngoài ra, tại một số xã khu vực nông thôn việc thực hiện thu gom do UBND xã thành lập các tổ, đội thu gom; 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Các đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với tổng số trên 30 xe chuyên dụng, cơ bản các xe đã được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom.
Tuy nhiên, trên địa bàn nhiều huyện vẫn còn tồn đọng tình trạng tồn đọng lượng rác thải tại các điểm tập kết; một số người dân ý thức chưa cao, đổ rác không đúng nơi quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; vẫn còn nhiều điểm tập kết nằm xa khu dân cư, đường vào điểm tập kết nhỏ, đường đất, sụt lún nên khó đưa phương tiện ô tô vào vận chuyển đến khu xử lý… dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm, một số khu dân cư. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiệt tốt các nội dung trong Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 bên cạnh việc tăng cường nâng cao nhận thức của người dân, phấn đấu đến hết năm 2025 đưa Bắc Ninh trở thành một địa phương đứng đầu cả nước về công tác bảo vệ môi trường.
Nỗ lực tăng hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt
Nhằm tăng hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2023 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn.
Theo Kế hoạch, toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hàng ngày tại thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành thuộc Công ty TNHH năng lượng xanh T&J để xử lý.
Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hàng ngày tại các huyện: Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài sẽ được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung phát điện tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh thuộc Công ty TNHH năng lượng mới EU-Conch Venture Bắc Ninh để xử lý.
Toàn bộ khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày tại thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long để xử lý.
Đối với các khu xử lý CTRSH tập trung, UBND các huyện, thị xã và thành phố sẽ ngừng cung cấp chất thải rắn sinh hoạt về các nhà máy đốt rác tập trung bằng công nghệ thông thường khi các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng đi vào hoạt động. Trường hợp Chủ đầu tư các nhà máy đốt rác tập trung muốn tiếp tục hoạt động thì cho phép điều chỉnh các giải pháp công nghệ để đảm bảo hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Đối với các lò đốt CTRSH công suất nhỏ và trung bình, tiếp tục xử lý CTRSH phát sinh hàng ngày tại các xã, phường có lò đốt rác đến hết năm 2025 theo Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 nếu đảm bảo Lò đốt hoạt động tốt, xử lý hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, tạo bức xúc của dân cư trong khu vực.
Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2023 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xem là một chủ trương quan trọng nhằm triệt để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đồng thời giải quyết từng bước tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra tại các địa phương chưa có nhà máy xử lý chất thải tập trung và góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững cũng như bước đầu thực hiện có hiệu quả phân bổ rác thải cho các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.