Thái Nguyên: Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại

22/08/2024 12:19 Kinh tế, xã hội
Ngày 15/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mạị; việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn.
Thái Nguyên: Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại
Toàn cảnh Hội nghị

Công nghiệp - Thương mại có nhiều khởi sắc

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.145,7 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ, bằng 59,8% kế hoạch năm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2023; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm 2024.

Hiện nay, Thái Nguyên đang đứng vị trí thứ 4 trong cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,0%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%. Đến nay, Thái Nguyên đã có 06 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 05 khu công nghiệp đang duy trì hoạt động ổn định; có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc Thái Nguyên đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế; đồng thời nêu ra một số vấn đề cần được tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chú trọng trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng vào năm 2030.

Một là: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh, gắn với việc tận dụng những tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hai là: Cần đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Ba là: Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư.

Bốn là: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh và khu vực; tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Năm là: Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động