Thanh Hóa: Các thế hệ người Thái “giữ lửa” văn hóa qua lễ hội truyền thống Mường Đeng
Theo kế hoạch, Lễ hội Mường Đeng năm 2024 của đồng bào dân tộc Thái xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 12-13/10/2024 trên địa bàn xã. Từ những nghi lễ truyền thống đến các hoạt động văn hóa lễ hội không chỉ là dịp để cộng đồng gắn kết mà còn là cơ hội để giới trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc của người Thái tại xã Yên Thắng. Lễ hội Mường Đeng có ý nghĩa rất quan trọng với người Thái đen thuộc xã Yên Thắng. Đây là lễ hội được thực hiện từ xa xưa, gắn với lịch sử phát triển của người dân Thái đen.
Lễ hội mường đeng 2024 (Ảnh Minh Tâm) |
Với 9 thôn, bản cùng sinh sống trên địa bàn, hơn 90% là người dân tộc Thái, xã Yên Thắng là mảnh đất giàu bản sắc văn hoá của người Thái đen với những phong tục, tập quán, nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, bản sắc văn hoá có nguy cơ bị mai một do sự ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đứng trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND, HĐND xã đã có những tiêu chí, chỉ đạo nhằm phục dựng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó là sự chung tay, góp sức tham gia của các thế hệ với mong muốn ngày càng phát huy, lan tỏa tinh hoa dân tộc. những người cao tuổi tâm huyết với văn hoá dân tộc ở các địa phương đã tập hợp thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hoá để khôi phục, duy trì tiếng hát, điệu múa, tiếng nói, trang phục… truyền thống của dân tộc.
“Tuổi cao gương sáng”
Già làng Lò Viết Lâm, 70 tuổi, bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa) không chỉ là người có uy tín trong thôn, ông còn là người tâm huyết với văn hoá dân tộc Thái đen. Những năm qua, ông sưu tầm, luyện tập và phổ biến các bài hát, điệu múa của dân tộc Thái đen trong cộng đồng, tổ chức thành lập và là chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian xã Yên Thắng (CLB Văn hóa Dân gian).
Ông Lâm cho biết: “Từ năm 2020, Đảng ủy, UBND, HĐND xã đã có tiêu chí và phục dựng lại lễ hội Mường Đeng. Tuy nhiên, nhận thấy thế hệ con cháu bây giờ am hiểu và nhìn nhận về bản sắc văn hóa dân tộc có phần bị mai một do những tác động khách quan từ cuộc sống, nên chúng tôi đã thành lập CLB ngoài việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp của bản sắc dân tộc Thái đen, trách nhiệm của chúng tôi cũng có phần vận động, tuyên truyền, giúp con cháu nhìn nhận sâu sắc về lễ hội, về bản sắc dân tộc”.
Già làng uy tín bản Ngàm Pốc, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Dân gian - ông Lò Viết Lâm (Ảnh: Minh Tâm) |
Trong những giai đoạn đầu hoạt động, CLB Văn hóa dân gian gặp nhiều khó khăn do số lượng thành viên ít, rải rác ở khắp địa bàn xã. Bên cạnh đó việc đi lại hết sức khó khăn nên công tác vận động, triệu tập thành viên CLB không dễ dàng. Nhưng qua quá trình tuyên truyền, kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, CLB được ủng hộ, xuất hiện ở các kênh thông tin đại chúng, lồng ghép trong các hội nghị của thôn, bản. Trên cơ sở đó, thành viên CLB cũng từng bước có trách nhiệm hơn trong việc duy trì, phục dựng và quảng bá trong thời gian vừa qua.
Trong quá trình hoạt động, CLB Văn hóa Dân gian được tỉnh giới thiệu và đi học tập, thăm quan tổ chức biểu diễn tại Hà Nội và Bình Định, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen.
Tuổi trẻ gìn giữ, tiếp nối và phát huy
Thế hệ trẻ không chỉ thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà còn tiếp xúc và hòa nhập với những giá trị văn hóa mới. Họ là lực lượng sáng tạo và đổi mới, có khả năng tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tuổi trẻ Yên Thắng đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong những năm qua, góp phần thúc đẩy và bảo tồn nền văn hóa người Thái đen, đặc biệt là các giá trị văn hóa trên địa bàn xã.
Thế hệ trẻ xã Yên Thắng tham gia hoạt động quảng bá sản vật địa phương trên mạng xã hội (Ảnh: Tuổi trẻ Lang Chánh) |
Đồng thời, các lớp trẻ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa địa phương do huyện, xã tổ chức. Trong dịp lễ hội Mường Đeng 2024, thế hệ trẻ Yên Thắng tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian như khèn bè, khặp thái,...
Đồng chí Hà Ngọc Hòa - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Thắng cho biết: “Sau khi lễ hội được phục dựng, thế hệ thanh niên chúng tôi đã tích cực tham gia, tìm hiểu văn hóa nghệ thuật dân gian. Đa số thế hệ trẻ rất ít người biết đến các loại hình nghệ thuật đó, do đòi hỏi cần có giọng điệu đặc trưng, năng khiếu và cả sự sáng tạo từ những kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, Đoàn Thanh niên vẫn đang tiếp tục học hỏi, tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc, lan tỏa những nét đẹp ấy qua internet như một cách để quảng bá, giới thiệu”.
Anh Lò Bá Lực, thanh niên xã Yên Thắng chia sẻ: “Việc gìn giữ và phát uy bản sắc dân tộc nói chung và dân tộc thái nói riêng rất cần thiết. Hiện tại, giới trẻ đang bị ảnh hưởng của văn hóa phương tây và có một bộ phận giới trẻ có xu hướng làm mai một đi bản sắc dân tộc. Là một người trẻ, bản thân nhận thức rõ việc gìn giữ và phát huy, đặc biệt là mang những giá trị bản sắc dân tộc của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế để mọi người có thể thưởng thức và cùng biết đến văn hóa này. Thông qua đó nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của mình hơn nữa”.
Anh Lò Bá Lực - Thanh niên xã Yên Thắng (Ảnh Minh Tâm) |
Nhận thức việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Thái đen là điều cần thiết, tuy nhiên, xã Yên Thắng vẫn còn gặp nhiều bất cập trong việc trong việc quy tụ nghệ nhân đến với lễ hội, cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh phí mở các lớp truyền dạy còn khó khăn hay một bộ phận thanh niên học tập và làm ăn xa nên mức độ tham gia giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc chưa cao.
Đồng chí Hà Văn Hạnh - Ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, PCT UBND xã Yên Thắng cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục gìn giữ lễ hội thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời sẽ tiếp tục các công tác tuyên truyền cho thế hệ trẻ bản sắc văn hóa dân tộc, nỗ lực động viên thế hệ trẻ của địa phương tham gia các lớp học đào tạo, bồi dưỡng về các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái để xã Yên Thắng có được nguồn cán bộ chất lượng”.
Trong giai đoạn 2017 - 2018, được sự đồng ý của Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Thanh Hóa và huyện Lang Chánh đã cho phép xã yên Thắng được tôn tạo lại lễ hội Chá Mùn (một phong tục được tổ chức trong lễ hội Mường Đeng) của người Thái. Đến tháng 8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể và sẽ đón nhận vào tháng 5/2025.
Ngô Quỳnh, Ngọc Ánh, Minh Tâm
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của tỉnh Quảng Bình
Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.