Thanh Hóa: Xử phạt hàng tỷ đồng các doanh nghiệp liên quan khai khác khoáng sản, tác động môi trường

18/03/2024 15:28 Thanh tra - Kiểm tra/Quyết định xử phạt hành chính
Tình hình vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được nhận định là hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng việc ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh từ đầu năm đến nay đã ở mức hàng tỷ đồng, có doanh nghiệp còn bị tước Giấy phép khai thác khoáng sản đến hơn 11 tháng.

Cụ thể, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 898/QĐ-XPHC ngày 05/3 của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty cổ phần Công nghệ mỏ Thanh Hóa, với địa chỉ xảy ra vi phạm tại Mỏ đất thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành số tiền 500 triệu đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với giấy phép khai thác khoáng sản công ty được cấp năm 2017. Với hành vi vi phạm:

Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 126/GP-UBND ngày 03/4/2017 từ 100% trở lên. Cụ thể: Năm 2022 vượt 321%, năm 2023 vượt 80,6%; trung bình trong 02 năm vượt 200,8%.

Ngoài phạt tiền và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng, UBND tỉnh buộc Công ty cổ phần Công nghệ mỏ Thanh Hóa thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường do hành vi khai thác vượt công suất gây ra trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Thanh Hóa: Xử phạt hàng tỷ đồng các doanh nghiệp liên quan khai khác khoáng sản, tác động môi trường
Hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản nếu không được kiểm soát tốt sẽ có những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường và hệ sinh thái. (ảnh minh họa)

Trước đó, trong tháng 02/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp khác như: Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, Công ty TNHH Tùng Lâm, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng HàoCông ty TNHH Tân Hồng Phúc. Cụ thể:

Ngày 06/02, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 658/QĐ-XPHC đối với Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, có địa chỉ trụ sở chính tại: Số 45 phố Cao Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, thực hiện hành vi vi phạm tại: Mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc. Với hành vi vi phạm hành chính được xác định: Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 01 ha đến dưới 1,5 ha (vượt 14.108 m2).

Với hành vi vi phạm trên, UBND tỉnh áp dụng hình thức xử phạt chính: Phạt tiền, với mức phạt 350 triệu đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 11,25 tháng, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Ngày 09/02, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 715/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH Tùng Lâm khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Mỏ đá tại xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, với hành vi: Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha (vượt 9.582,6m2).

Theo đó, UBND tỉnh xử phạt Công ty TNHH Tùng Lâm tổng số tiền 190.405.000 đồng gồm: 170.000.000 đồng cho hành vi vi phạm hành chính và 20.405.000 đồng tạm thời được xác định là số lợi bất hợp pháp do thực hiện vi phạm hành chính.

Tiếp đó, ngày 21/2, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Hào, với hành vi vi phạm được xác định: Quá từ 06 tháng trở lên kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (Giấy phép hết hiệu lực từ ngày 08/02/2023 nhưng tính đến cuối tháng 01/2024 không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ). Với địa điểm vi phạm tại Mỏ đá Bazan, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc.

Đến ngày 27/02, UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 803/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH Tân Hồng Phúc với những vi phạm xảy ra tại: Mỏ đá núi Dải Áo, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Cụ thể:

Hành vi thứ nhất: Thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định (chưa xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa; chưa xây dựng bãi thải chứa đất đá thải phát sinh từ quá trình khai thác, chế biến).

Hành vi thứ hai: Đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đúng quy cách, nhưng chưa đầy đủ số lượng mốc theo quy định (thiếu mốc số 12, 13 và 14). (Chỉ nêu ra và không xử phạt hành vi này do hết thời hiệu xử phạt).

Hành vi thứ ba: Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha (vượt 1.376 m2).

Tổng số tiền xử phạt đối với Công ty TNHH Tân Hồng Phúc phải nộp là 202.024.000 đồng, bao gồm tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp tạm tính do thực hiện vi phạm mà có.

Chỉ trong hơn hai tháng, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản đối với ít nhất là 05 điểm mỏ với tổng số tiền hàng tỷ đồng có thể thấy hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh đang hết sức phức tạp.

Để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và hạn chế thấp nhất nguy cơ thất thu cho ngân sách nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các điểm mỏ để chủ động trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu hành vi vi phạm hành chính trong khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn./.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động