Thanh tra toàn diện việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Để chuẩn bị cho đợt thanh tra này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực về con người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính. Trong quá trình thanh tra, nếu thấy cần thiết thì phải tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Bộ TN&MT trong việc xử xý triệt để những vấn đề liên quan đến nhập khẩu phế liệu.
Giấy phép ít, hàng tồn nhiều
Đây là lần thứ hai Bộ TN&MT tổ chức thanh kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu. Trước đó, ngay sau khi có thông tin về việc ùn ứ hàng ngàn công ten nơ rác thải tại các cảng biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác BVMT trong nhập khẩu phế liệu đồng thời rà soát rà soát lại các văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Qua kiểm tra, rà soát mới thấy, mặc dù số lượng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được cấp không nhiều nhưng số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng lại quá lớn. Từ năm 2016 đến hết tháng 5/2018, Bộ TN&MT mới chỉ cấp 242 Giấy xác nhận trên phạm vi cả nước. Trong đó, 139 Giấy xác nhận cấp cho cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu trực tiếp; 103 Giấy xác nhận cấp cho DN nhận ủy thác. Nhưng có đến hơn 5.700 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển. Tập trung nhiều nhất ở các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container.
Nhiều chủ hàng hoặc DN chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu vẫn ký hợp đồng mua bán. Vì vậy, nhiều lô hàng về đến Việt Nam nhưng không thể làm thủ tục nhập khẩu dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển. Đó là chưa kể các chủ hàng còn lợi dụng làm giả mạo giấy phép nhập khẩu và nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”.
Để xảy ra tình trạng này một phần là do chúng ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về….
Không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu sai phạm, các doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhập khẩu cũng vi phạm các quy định về BVMT như: Kho bãi không xây đúng quy định, không có hệ thống thoát nước mưa và không có mái che nên chất thải vẫn bị phát tán ra ngoài môi trường. Công tác kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, một số doanh nghiệp làm chưa tốt để xảy ra sự cố môi trường … Trong quản lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, lưu giữ, làm hồ sơ rất sơ sài và không đúng theo quy định...
Sẽ thanh tra 3 nội dung
Trước tình trạng trên, Bộ TN&MT đã xây dựng một kế hoạch thanh tra trên phạm vi cả nước với 3 nội dung chính:
Thứ nhất, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận theo Thông tư số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT và Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thời kỳ thanh tra từ lúc giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến nay.
Thứ hai, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thời kỳ thanh tra từ ngày 27 tháng 10 năm 2015 đến nay.
Thứ ba, thanh tra công tác cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của Tổng cục Môi trường, thời kỳ thanh tra từ ngày 27 tháng 10 năm 2015 đến nay và công tác cấp giấy chứng nhận của các Sở Tài nguyên và Môi trường, thời kỳ thanh tra từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến nay.
Kết quả của đợt thanh tra này sẽ đánh giá toàn diện công tác quản lý nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan nếu có sai phạm. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận; thu hồi Giấy chứng nhận nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức sản xuất có sử dụng phế liệu nhập khẩu. Nhìn nhận lại việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.