Thu phí xử lý rác: Cần có lộ trình để tạo ý thức phân loại rác

18/08/2020 12:00 Nghiên cứu, trao đổi
Dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề ra lộ trình 5 năm để thực hiện việc thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại trước ngày 01/01/2025.
Thu phí xử lý rác thải theo khối lượng: Xin đừng bàn ngang
thu phi xu ly rac can co lo trinh de tao y thuc phan loai rac
Thu phí rác thải sinh hoạt

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, tổng hợp thảo luận của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho thấy "nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi". Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Về lộ trình thực hiện, giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01/01/2025.

Dự thảo Luật cũng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Thảo luận về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần có phương thức khác nhau với rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Theo đó, đối với rác thải công nghiệp thì người xả rác phải trả tiền cho đơn vị thu gom, xử lý còn rác thải sinh hoạt có khả năng tái chế thì cần trả tiền để khuyến khích người dân phân loại rác đúng quy định.

“Bắt người dân trả tiền, họ không trả lại vứt bừa. Còn nếu được trả tiền, dù không đáng bao nhiều nhưng người dân có ý thức phân loại, gom sạch sẽ. Đơn vị thu gom phải đi mua và nhà máy mua lại của đơn vị thu gom vận chuyển, Nhà nước có thể hỗ trợ cho các sản phẩm được tái chế qua chính sách như thuế”; đồng thời đề nghị luật không chỉ quy định người dân phải nộp phí thu gom chất thải, rác thải, mà cần quy định cả việc mua rác tái chế của dân. Khi đó người đi thu gom rác phải mua rác thải tái chế. Tiền bán rác có thể không nhiều nhưng sẽ khuyến khích người dân phân loại rác, từ đó có tác động tốt đến ý thức.

Nêu ý kiến về việc này, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng cần có lộ trình để sớm tạo ra ý thức phân loại rác. “Khi kêu gọi phân loại rác thì người dân sẽ đồng tình. Nếu không quyết tâm thì lại lãng phí 5 năm, rác thải lại không được phân loại. Còn cái gì người dân phân loại bán được thì bán, cái gì thải gây ô nhiễm môi trường thì người dân có trách nhiệm phải trả phí, hai cái này là khác nhau” – ông Trần Văn Tuý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình ủng hộ phân 3 loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, ông cho rằng trong điều kiện hiện nay thì làm được là rất khó.

Nếu đặt lộ trình đến năm 2025 triển khai thì phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ, đặc biệt hiện nay việc thu gom rác thải ở nông thôn đang tồn tại nhiều bất cập.

Nhiều nước tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác.
Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động