Tìm hiểu phong tục thờ chó đá của người Việt
Cặp chó đá trấn giữ đầu làng Thượng, xã Viên Nội, huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội.
Truyền thuyết xưa
Trong dân gian xưa vẫn còn lưu truyền câu chuyện cổ tích Việt nói về chó đá. Truyện kể rằng: Ngày xưa có người học trò vào nhà thầy giáo, khi qua cửa thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: "Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao?". Con chó đáp: "Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy". Người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác. Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: "Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông". Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi.
Nhưng những ngày sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng. Người học trò hỏi: "Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?". Con chó đá nói: "Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa". Người học trò đem chuyện kể lại với cha, người cha lấy làm hối hận, rồi từ đó không những không lên mặt hống hách mà còn xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm. Khoa ấy, người học trò dù đã lọt qua mấy kỳ nhưng không đỗ thật. Tuy vậy, người học trò cũng không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi.
Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: "Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ". Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao.
Thông qua câu chuyện dân gian lưu truyền này, có thể thấy tục thờ chó đá đã xuất hiện từ rất lâu và in đậm trong văn hóa người Việt.
Tục thờ chó đá tồn tại nhiều nơi
Tục thờ chó đá chủ yếu phổ biến ở nông thôn, các vùng quanh Hà Nội như Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ.
Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. 4 con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ.
Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội thờ chó đá như một vị thần và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. Con chó đá cao 1,4 m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó nhỏ. Quan lớn Hoàng Thạch ngự ở giữa làng, bên cạnh đình và chùa Địch Vĩ. Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn.
Hiện nay, một số dân tộc Nùng, Tày, Dao... sinh sống tại một số huyện Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ tục thờ chó đá độc đáo này. Trong đó, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình là nơi có nhiều hộ dân lưu giữ tập tục này nhiều hơn cả, hầu như nhà nào cũng có một chú chó đá canh cổng. Chó đá được tạc to như chó thật. Hai chân trước đứng hiên ngang, hai chân làm trụ theo thế đứng bệ vệ. Tuy nhiên, dáng chó đá được ưa thích nhất chính là thế phục mồi, mồm và mắt chúng phải nhìn nhằm vào một điểm, sẵn sàng tư thế tấn công, trông coi nhà cửa.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng" ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa. Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh từng nhắc: "Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí".
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết tục thờ chó đá đã có từ lâu. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng.
Theo giáo sư Thịnh, chó đá, nghê đá là những con vật gần gũi với tâm linh người Việt, nên được dùng để thay thế sư tử ngoại lai trong một số đình, chùa hiện nay. "Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại. Sư tử chủ yếu được người Trung Quốc dùng để canh lăng mộ. Mang sư tử về trước cơ quan, đình, chùa là việc học đòi mà không hiểu gì về văn hóa", giáo sư Thịnh phân tích.
Tin mới
Tin khác
Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của tỉnh Quảng Bình
Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.