Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Phát triển Công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trong tâm
Sản xuất công nghiệp phục hồi, chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng nhanh
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Song nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tạo tiền đề, động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,85%; khu vực dịch vụ tăng 2,56%; riêng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, chỉ số công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) 6 tháng ước tăng 6,25% so cùng kỳ; kinh doanh thương mại sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,53%; dịch vụ lưu trú tăng 17,01%; kết quả sản xuất trồng trọt vụ đông xuân tăng trưởng khá, chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định; an sinh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Về thu hút đầu tư FDI, trong 6 tháng đầu năm 2023 Tỉnh đã cấp mới 04 dự án với tổng vốn đăng ký 35,85 triệu USD; 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 166,01 triệu USD (đạt 22,18% kế hoạch, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 449 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30,48 tỷ USD.
Theo Cục thống kế tỉnh, dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, kinh tế tỉnh vẫn tiếp tục đối mặt trước với thách thức, khó khăn. Cụ thể, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có khả năng duy trì và phát triển ổn định; ngành công nghiệp khó phục hồi nhanh khi công nghiệp chế biến chế tạo có nhiều sản phẩm giảm chủ yếu phụ thuộc vào thị trường quốc tế; ngành dịch vụ vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, bến cảng, kho bãi do bị ảnh hưởng bởi hàng hóa xuất - nhập khẩu giảm mạnh. Dự báo GRDP trừ dầu khí có thể đạt tốc độ tăng từ 5 - 6% cho 6 tháng cuối năm; đưa tốc độ tăng GRDP trừ dầu khí cả năm 2023 đạt từ 4 - 4,5%.
Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo
Đó là nội dung Thông báo 03/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu.
Về định hướng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển nhanh và bền vững, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp, trong đó tập trung các định hướng lớn sau: Quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.
Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí, phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát huy giá trị của Côn Đảo - địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.
Bà Rịa-Vũng Tàu cần coi trọng, quan tâm đầu tư đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng kế hoạch làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tăng cường hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội. Cùng với đó là các giải pháp phi tài chính như nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu vào nhóm đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Tập trung, đầu tư cho công tác quy hoạch để nhận diện và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo nên động lực mới cho phát triển.
Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để phát triển liên vùng, một trong những trọng tâm của Chính phủ trong những năm tới là thúc đẩy kết nối liên vùng để các địa phương bổ sung cho nhau trong phát triển liên kết vùng; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, công dân số.
Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các ngành nghề như cơ khí, hóa chất, linh kiện điện tử, linh kiện máy móc...
Theo Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu, các dự án công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến nay đã thu hút được tổng vốn đầu tư 781 triệu USD với sự tham gia của khoảng 1.000 cơ sở sản xuất nhỏ.
Đáng chú ý, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Bà Rịa -Vũng Tàu hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển khá chậm, với số lượng còn ít, quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, nhiều doanh nghiệp chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Vì vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẽ thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất chủ lực của tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu, các sản phẩm do các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh làm ra chỉ đáp ứng một nhu cầu rất nhỏ thay thế hàng nhập khẩu, chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia, giá trị mang về chưa đáng kể. Vì vậy, chỉ có hợp tác đầu tư mới là con đường ngắn nhất để Bà Rịa – Vũng Tàu học tập kinh nghiệm và công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xây dựng chiến lược để tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu và trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp - một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.
Mục tiêu phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, công nghiệp là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh năm 2030; đến năm 2045 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại và là một trong những mô hình phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp (trừ dầu) trong GRDP đạt 60%, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 65% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt 70%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.