Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam
Bài viết này có mục đích cung cấp tổng quan chung về tình hình quản lý CTR trên thế giới, để có sự so sánh, nhìn nhận về thực trạng quản lý CTR ở nước ta hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất những giải pháp cải thiện và tăng cường công tác quản lý CTR trong thời gian tới.
1. Phát sinh chất thải rắn trên thế giới
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt trung bình toàn cầu khoảng 0,74 kg/người/ngày, trong đó ở quốc gia thấp nhất là 0,11 kg/người/ngày, cao nhất là 4,54 kg/người/ngày. Tổng khối lượng CTR đô thị phát sinh trên toàn cầu vào khoảng 2 tỷ tấn năm 2016, trong đó nhiều nhất là ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với 468 triệu tấn (~23%) và thấp nhất là Trung Đông và Bắc Phi với 129 triệu tấn (~6%). Ước tính tổng khối lượng các loại CTR có thể vào khoảng 7-10 tỷ tấn/năm 2016. Dự báo CTR đô thị sẽ tăng lên 2,59 tỷ tấn năm 2030 và 3,4 tỷ tấn năm 2050, trong đó tốc độ tăng nhanh nhất ở các khu vực châu Phi cận Sahara, Nam Á và Trung Đông (Silpa K. et al, 2018).
Ở Việt Nam, lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng khoảng 25,5 triệu tấn năm 2018, trong đó CTR sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn - khoảng 32.000 tấn/ngày (TCMT, 2019). CTR sinh hoạt ở các đô thị hiện chiếm hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước và chiếm khoảng 60-70% tổng lượng CTR đô thị (Bộ TNMT, 2017). Dự báo lượng CTR sinh hoạt ở Việt Nam sẽ tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030 (Ngân hàng Thế giới, 2019).
Thời gian qua, chất thải nhựa đang nổi lên như là vấn đề môi trường bức xúc, được sự quan tâm của cả thế giới do những tác động đến môi trường. Ước tính tổng lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 242 triệu tấn, chiếm 12% lượng CTR đô thị toàn cầu (Silpa K. et al, 2018). Ở nhiều nước, chất thải nhựa không được quản lý tốt, đã và đang được xả thải ra các đại dương, gây nhiều tác động xấu đối với môi trường và hệ sinh thái biển. Năm 2015, Jambeck và cộng sự đã nghiên cứu CTR tại 192 quốc gia ven biển và đưa ra ước tính hàng năm, khoảng 4,8-12,7 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra đại dương. Trong đó, Việt Nam được xếp thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa trên biển (chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Phillipines) với ước tính khoảng 0,28-0,73 tấn/năm (Jambeck et al, 2015).
Một loại chất thải đặc thù khác là chất thải điện tử với ước tính lượng phát sinh trên toàn cầu khoảng 41,8 triệu tấn năm 2014, tăng lên 45 triệu tấn năm 2016, và khoảng 48 triệu tấn năm 2018. Ở Việt Nam, lượng chất thải điện tử phát sinh ước khoảng 116.000 tấn năm 2014 và 141.000 tấn năm 2016 và sẽ tiếp tục gia tăng (Balde et al. 2015, 2017).
Về thành phần CTR sinh hoạt, thành phần chất thải rắn khác nhau ở các nhóm nước. Theo đó các nước có thu nhập cao có hàm lượng chất thải hữu cơ thấp hơn, với khoảng 32%, trong khi các nước có thu nhập thấp và trung bình có hàm lượng hữu cơ cao hơn, khoảng 53-56%. Ngược lại, các thành phần CTR có thể tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh…) là cao hơn ở các nước có thu nhập cao, khoảng 50% và thấp hơn, chỉ khoảng 16% ở các nước thu nhập thấp (Silpa K. et al, 2018).
2. Thực trạng quản lý chất thải rắn trên thế giới
a) Phân loại và thu gom, vận chuyển
Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom thay đổi theo mức thu nhập của các quốc gia, theo đó, thu nhập của quốc gia càng cao thì tỷ lệ thu gom CTR càng cao. Cụ thể, tỷ lệ thu gom CTR ở các nước thu nhập cao và các nước Bắc Mỹ đạt gần 100%. Các nước thu nhập trung bình thấp có tỷ lệ thu gom trung bình khoảng 51%, trong khi ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này chỉ khoảng 39%. Ở các nước thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ thu gom đạt 71% ở các đô thị và 33% ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ thu gom ở các nước Châu Á – Thái Bình Dương trung bình đạt khoảng 77% ở đô thị và 45% ở nông thôn (Silpa K. et al, 2018).
Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở đô thị đạt khoảng 85,5% và ở nông thôn – khoảng 40-55% năm 2018 (TCMT, 2019), cao hơn mức bình quân của các nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới.
b) Tái chế CTR
Theo nghiên cứu của UNEP năm 2015 và Ngân hàng Thế giới 2018, tỷ lệ tái chế CTR đô thị tăng đều trong 30 năm qua ở các nước thu nhập cao, trung bình đạt khoảng 29%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ CTR đô thị được tái chế ước tính thấp hơn 10%, cụ thể là chỉ khoảng 6% đối với nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Tái chế kim loại, giấy, nhựa được triển khai mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước tái chế nhiều nhất. Trước 2018, Trung Quốc nhập khẩu 60% nhôm phế liệu, 70% giấy tái chế, 56% nhựa phế liệu (UNEP, ISWA, 2015; Silpa K. et al, 2018). Tuy nhiên, từ 2018, Trung Quốc đã thực hiện hạn chế nhập khẩu phế liệu để tái chế.
Ước tính khoảng 84% chất thải điện tử trên toàn cầu được tái chế, phần lớn được thực hiện ở các nước đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…), với giá trị vật liệu của chất thải điện tử toàn cầu ước tính khoảng 48 tỷ Euro năm 2014 (Balde et al, 2015). Các loại chất thải trong nông nghiệp, chăn nuôi thường được tái chế thành năng lượng ở các dạng bioga. Chất thải xây dựng được tái chế tỷ lệ cao ở các nước phát triển, đạt đến 99% ở Nhật Bản, New Zealand. (UNEP, ISWA, 2015).
Nhìn chung, ngành công nghiệp tái chế phát triển ở các nước thu nhập cao và rất kém phát triển ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi mà hoạt động tái chế chủ yếu là do khu vực phi chính thức thực hiện. Riêng Trung Quốc gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển công nghiệp tái chế, đặc biệt là thu hồi năng lượng.
Là nước có thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ tái chế CTR sinh hoạt ở Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp, khoảng 8-12% CTR sinh hoạt đô thị. Việc chế biến phân vi sinh, viên nhiên liệu từ CTR đã được triển khai, tuy nhiên chưa phổ biến; hiện có khoảng 35 cơ sở xử chế biến phân hữu cơ, song chưa phát triển mạnh mẽ (Bộ TNMT, 2017). Hoạt động tái chế phi chính thức ở các làng nghề được phát triển mạnh như tái chế nhựa ở Minh Khai (Hưng Yên), tái chế chì ở Chỉ Đạo (Hưng Yên), tái chế giấy ở Yên Phong (Bắc Ninh), tái chế chất thải điện tử ở Văn Môn (Bắc Ninh)..., với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việc chế biến, thu hồi năng lượng từ chất thải mới chỉ bước đầu được triển khai (như ở Quảng Bình, Hà Nam, Bình Dương, Hà Nội), mặc dù tiềm năng rất lớn (Thắng N.T. và cộng sự, 2019).
c) Xử lý/tiêu hủy CTR
Tính trung bình trên toàn cầu năm 2016, có 70% lượng CTR sinh hoạt được xử lý/tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp, trong đó 33% bằng các bãi chôn lấp các loại và 37% bằng các bãi đổ lộ thiên; có 19% CTR sinh hoạt được tái chế và làm phân compost, còn lại 11% được tiêu hủy bằng phương pháp đốt. Các nước thu nhập cao áp dụng chôn lấp hợp vệ sinh, tái chế và đốt thu hồi năng lượng tương ứng với 39%, 29% và 22% lượng CTR. Các nước thu nhập trung bình thấp đang chôn lấp khoảng 84% (trong đó đổ lộ thiên 66%, chôn lấp 18%). Tỷ lệ đốt thu hồi năng lượng ở các nước thu nhập trung bình cao đã tăng nhanh, lên 10% năm 2016 do sự chuyển đổi ở Trung Quốc (Hình 1).
Ở Việt Nam hiện nay, ước tính 70-75% CTR sinh hoạt đang được xử lý theo phương pháp này. Năm 2016, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp CTR sinh hoạt với tổng diện tích khoảng 4.900ha, trong đó có chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, chiếm 31% (Bộ TNMT, 2017).
4. Các mô hình và tài chính cho quản lý chất thải rắn
a) Mô hình quản lý
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ở hầu hết các quốc gia, quản lý CTR là trách nhiệm của chính quyền địa phương; rất ít chính quyền trung ương trực tiếp liên quan đến quản lý CTR ngoài việc ban hành chính sách, giám sát hoặc trợ cấp. Trên thế giới có khoảng 70% dịch vụ chất thải rắn được giám sát trực tiếp bởi các địa phương, phần còn lại được quản lý thông qua các cơ quan liên tỉnh, các tổ chức công-tư hoặc các công ty tư nhân. Khoảng 50% các dịch vụ về quản lý CTR được điều hành bởi các cơ quan công lập. Khoảng 1/3 các dịch vụ thu gom về xử lý và chôn lấp chất thải được vận hành thông qua đối tác công-tư. Khu vực tư nhân thường được tham gia thông qua các hợp đồng về thu gom, xử lý và chôn lấp, trong đó, thời hạn các hợp đồng thường dưới 10 năm (Silpa K. et al, 2018).
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc về quản lý CTR ở châu Á - Thái Bình Dương, nhìn chung, thực trạng quản lý CTR có thể được tổng hợp ở 3 cấp độ từ thấp lên cao (Bảng 1). Qua đó, có thể thấy công tác quản lý CTR ở Việt Nam đang ở cấp độ 1, là cấp độ thấp nhất trong khu vực.
b) Tài chính cho quản lý CTR
Chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp CTR ở các nước thu nhập cao thường cao hơn ở các nước thu nhập thấp từ 4-5 lần (Bảng 2). Quản lý CTR thường chiếm khoảng 20% tổng chi phí hoạt động của chính quyền đô thị tại các quốc gia có thu nhập thấp, hơn 10% đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và 4% đối với các nước thu nhập cao. Các hệ thống quản lý CTR hiện đại hơn có chi phí từ 50-100$/tấn hoặc có thể cao hơn . Việc lựa chọn biện pháp quản lý và công nghệ xử lý chất thải phụ thuộc nhiều và điều kiện cụ thể của địa phương và khả năng đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành hệ thống (Silpa K. et al, 2018).
Về phí CTR, mức phí dao động ở mức trung bình ~37$/hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập thấp đến ~168$/hộ gia đình/năm tại các quốc gia có thu nhập cao. Trong đó đáng lưu ý là 61% nước thu nhập trung bình thấp đang thu đồng đều đối với mỗi hộ, 4% thu theo khối lượng chất thải, trong khi ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ này là 27% và 47%.
Ở Việt Nam hiện nay, chi phí quản lý CTR cho 01 tấn chất thải ở Hà Nội ước tính là 24 USD cho thu gom, 11 USD cho vận chuyển và 4 USD cho chôn lấp. Mức phí CTR trung bình cho mỗi hộ gia đình ở Hà Nội là 26.500 VNĐ/hộ/tháng hoặc 218.630 VNĐ/tấn (9.7 USD/tấn) bao gồm 172,600 VNĐ/tấn (7,6 USD/tấn) cho thu gom và 46,030 VNĐ/tấn (2 USD/tấn) cho vận chuyển (Ngân hàng Thế giới, 2019).
Chỉ ở các quốc gia có thu nhập cao, nguồn thu từ phí rác thải đủ để vận hành hệ thống QLCTR. Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và một số ít quốc gia có thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, hoạt động quản lý CTR được trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước. Hợp tác đối tác công-tư (PPP) có tiềm năng giảm gánh nặng đối với ngân sách, tuy nhiên, nếu PPP không được cấu trúc và quản lý đúng cách có thể dẫn đến sự thỏa hiệp về chất lượng dịch vụ (Silpa K. et al, 2018).
5. Một số nhận xét và đề xuất kiến nghị
a) Nhận xét
Thứ nhất, có sự tương quan chặt chẽ giữa quản lý CTR với mức thu nhập bình quân của quốc gia: CTR được quản lý tốt hơn ở các nước có thu nhập cao, yếu kém hơn ở các nước có thu nhập thấp. So sánh với mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có lượng phát sinh CTR gia tăng nhanh, có tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt cao hơn, tuy nhiên, tỷ lệ tái chế và phương thức xử lý tương đương, không có nhiều cải thiện hơn. Bên cạnh đó, Chất thải nhựa đang là vấn đề lớn đối với nước ta.
Thứ hai, cũng như các nước có cùng mức thu nhập, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức, gồm:
- Thiếu nguồn tài chính cho vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Nguyên nhân là do nguồn thu thấp từ các hộ gia đình và các nguồn phát sinh chất thải khác hoặc cũng như thiếu ngân sách từ chính quyền địa phương.
- Về công nghệ, thiếu công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu về BVMT. Hoạt động tái chế phi chính thức là phổ biến, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Thiếu tài nguyên đất dành cho chôn lấp nhưng lại có sự phản đối của người dân địa phương đối với việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải.
- Sự khó khăn, vướng mắc trong thiết kế và quản lý hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bền vững về tài chính trong khi tối đa hóa phạm vi thu gom và giảm thiểu các tác động môi trường. Thực tế cho thấy các quy hoạch quản lý CTR cấp vùng ở nước ta không được thực hiện thành công; công tác thu gom có hiệu quả thấp. Cơ sở dữ liệu về CTR chưa đáp ứng yêu cầu.
- Năng lực thể chế trong lập kế hoạch, giám sát và thực thi chính sách, pháp luật quản lý CTR còn thấp. Còn nhiều bất cập, hạn chế trong cơ cấu tổ chức, phân công trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp chính quyền ở trung ương và địa phương; trong sự hợp tác giữa các tỉnh/TP.
Thứ ba, trong khoảng 20-30 năm qua, tư duy về quản lý CTR trên thế giới đã có nhiều thay đổi: từ “tiêu hủy” đến “quản lý” đến “quản lý tổng hợp”; từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”; từ nền “kinh tế tuyến tính” (linear economy) sang “nền kinh tế tuần hoàn” (circular economy). Trong bối cảnh BĐKH đang gia tăng như hiện nay, tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có quản lý tổng hợp chất thải, đang được triển khai thực hiện ở nhiều quốc gia.
b) Một số giải pháp đề xuất cho quản lý CTR ở nước ta
Trong thời gian tới, cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý CTR ở nước ta; thực hiện nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng và giảm tối đa lượng CTR phải chôn lấp. Một số giải pháp cụ thể cần được triển khai như sau:
Thứ nhất, huy động và tăng cường nguồn lực cho quản lý CTR. Từng bước tăng dần mức phí CTR, đặc biệt ở các TP lớn, để giảm dần gánh nặng ngân sách. Huy động sự tham gia tích cực của khối tư nhân thông qua các cơ chế khuyến khích, ưu đãi; cơ chế đấu thầu, tuyển chọn công khai, minh bạch; tăng thời gian hợp đồng với lộ trình các mục tiêu môi trường rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ xử lý.
Thứ hai, tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý CTR cho các vùng/miền/địa phương từ đó lựa chọn các mô hình/công nghệ xử lý CTR phù hợp. Với đặc thù có hàm lượng hữu cơ cao (50-60%), cần hướng tới phân loại và xử lý loại hình CTR này bằng biogas hoặc compost; kết hợp với tái chế và đốt thu hồi năng lượng đối với thành phần còn lại. Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cân nhắc kết hợp đốt chất thải trong các lò nung clinke ở các nhà máy xi măng ở các địa phương có điều kiện. Từ bước phát triển ngành công nghiệp tái chế để thay thế dần các hoạt động tái chế phi chính thức ở các làng nghề.
Thứ ba, nâng cao chất lượng/tính khả thi của các quy hoạch quản lý CTR. Xây dựng và thực hiện Quy hoạch BVMT quốc gia, trong đó có định hướng quy hoạch về CTR ở cấp vùng và địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CTR dựa trên ứng dụng công nghệ 4.0 làm cơ sở để thiết lập hệ thống quản lý CTR; để hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch về quản lý CTR.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý CTR; sắp xếp tổ chức bộ máy thống nhất ở Trung ương và địa phương theo hướng tập trung đầu mối về ngành tài nguyên và môi trường. Tăng cường điều phối, hợp tác giữa các cơ quan chính quyền của các tỉnh/TP. Tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý CTR.
TS. Nguyễn Trung Thắng
Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2019)
Tài liệu tham khảo
1. Baldé, C., Forti, V., Gray, V., Kuehr, R., & Stegmann, P. (2017). The global e-waste monitor – 2017. United Nations University (UNU), International Telecommunication Union (ITU) & International Solid Waste Association (ISWA), Bonn/Geneva/Vienna.
2. Baldé, C. P., Wang, F., Kuehr, R., & Huisman, J. (2015). The global e-waste monitor-2014. United Nations University, IAS – SCYCLE, Bonn, Germany.
3. Bộ TNMT (2017), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia - Quản lý CTR.
4. Ngân hàng Thế giới (2019), Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại – Các phương án và hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia. http://documents.worldbank.org/curated/en/504821559676898971/pdf/Solid-and-industrial-hazardous-waste-management-assessment-options-and-actions-areas.pdf
5. Silpa K., L. Yao, P. Bhada-Tata and F. Van Woerden, What a Waste 2.0 A Global Snapshot of Solid Waste Management to 2050, World Bank, 2018.
6. Thắng N. T., H. H. Hạnh, D. T. Phương Anh, N. N. Tú, Quản lý chất thải rắn ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 6/2019, trang 51-53 (ISSN: 1859-4794).
7. Tổng cục Môi trường (TCMT) (2019), Tài liệu Hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý CTR sinh hoạt” ở Việt Nam ngày 08/5/2019.
8. United Nations Centre for Regional Development (UNCRD) and Institute of Global Environmental Strategies (IGES) (2018). State of the 3Rs in Asia and the Pacific -Experts’ Assessment of Progress in Ha Noi 3R Goals.
9. UNEP, ISWA (2015). Global Waste Management Outlook.